Hai bộ ‘đùn đẩy’ quản lý xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?
Theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ phân công Bộ Công thương quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia là phù hợp với chức năng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Tài chính báo cáo Văn phòng Chính phủ về công tác dự trữ xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ phân công cho Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công Thương.
Hơn nữa, xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, dễ cháy nổ, độc hại và là ngành hàng kinh doanh có điều kiện; việc bảo quản, vận chuyển, mua bán, nhập, xuất phải tuân theo những tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ; các bể chứa xăng dầu, hệ thống đường ống và phương tiện vận tải phải là các loại chuyên dụng, đặc thù.
qu%E1%BA%A3n%20l%C3%BD%20d%E1%BB%B1%20tr%E1%BB%AF%20x%C4%83ng%20d%E1%BA%A7u%20sang%20B%E1%BB%99%20T%C3%A0i%20ch%C3%ADnh">Bộ Công Thương muốn chuyển việc quản lý dự trữ xăng dầu sang Bộ Tài chính. |
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành lĩnh vực như điện, than, dầu khí, năng lượng… Do đó, cơ quan quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia phải là cơ quan có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ; có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
Trường hợp Bộ Công Thương kiến nghị sửa đổi quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP chuyển dự trữ mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia từ Bộ Công Thương sang Bộ Tài chính quản lý, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá kỹ cơ sở pháp lý, các ưu điểm, nhược điểm, giải pháp và lộ trình thực hiện để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Liên quan tới giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, theo Bộ Tài chính, từ khi luật Dự trữ quốc gia ban hành năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013) đến nay, Bộ Công Thương bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với xăng dầu kinh doanh theo hợp đồng bảo quản, phụ lục hợp đồng bảo quản ký với 4 doanh nghiệp.
Bộ Công Thương không lựa chọn doanh nghiệp bảo quản theo quy định tại điều 51, điều 52, điều 53 luật Dự trữ quốc gia; điều 13, điều 15 Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia và điều 4 Thông tư số 172/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Hàng năm (từ 2014 - 2022), Bộ Công Thương thực hiện chuyển tiếp các hợp đồng bảo quản đã ký năm 2014 thông qua các phụ lục hợp đồng để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia; năm 2023 chưa ký hợp đồng bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.
Đối với công tác nhập, xuất xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính nêu rõ: từ khi luật Dự trữ quốc gia ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Công Thương không xây dựng và thực hiện mua tăng, mua bổ sung, mua bù xăng dầu dự trữ quốc gia.
Xăng dầu dự trữ quốc gia từ trước đến nay chưa sử dụng để xuất cấp theo quy định của luật Dự trữ quốc gia; chỉ thực hiện xuất bán (14.751 m3 dầu hỏa dự trữ quốc gia năm 2012), xuất chuyển đổi chủng loại (121.435 m3 chuyển đổi dầu diesel 0,25%S sang diesel 0,05%S dự trữ quốc gia năm 2015), xuất hao hụt (hàng năm theo định mức).
Theo quy định tại điều 37 luật Dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch luân phiên đổi hàng gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện trong năm kế hoạch.
Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ không phê duyệt kế hoạch luân phiên đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia do xăng dầu dự trữ quốc gia được Bộ Công Thương bảo quản chung với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp; không xác định được thời gian tồn chứa và số lượng xăng dầu dự trữ quốc gia thực tế luân phiên đổi hàng (xăng dầu dự trữ quốc gia để chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh nên việc nhập, xuất xăng dầu theo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, thường diễn ra hàng ngày).
Việt Linh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận