Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc kêu gọi ‘sửa chữa sai lầm’
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay (4/12) tuyên bố nước này kiên quyết phản đối việc Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019.
Bà Hoa cáo buộc dự luật này "cố tình xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Tân Cương, trắng trợn bôi nhọ nỗ lực của Trung Quốc trong dập tắt cực đoan và chống chủ nghĩa khủng bố, ác ý công kích chính sách lãnh thổ của chính phủ Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Tân Cương là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm, đồng thời đe dọa “Trung Quốc sẽ có thêm phản ứng tùy thuộc vào tình hình”.
Tuyên bố của bà Hoa nhằm đáp lại việc Hạ viện Mỹ ngày 3/12 (giờ địa phương) đã thông qua Dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019, cho phép chính quyền Tổng thống Trump phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương. Dự luật được thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo 407 và chỉ có 1 phiếu chống.
Dự luật này là bản sửa đổi, bổ sung của Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện thông qua hồi tháng 9.
Tuy nhiên, dự luật mới mang tính ràng buộc hơn, yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 4 tháng từ khi ban hành luật, đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Dự luật sẽ tăng cường thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Trung Quốc, bao gồm những thiết bị có thể được sử dụng để "đàn áp quyền riêng tư, tự do di chuyển và các quyền con người cơ bản khác".
Dự luật cũng yêu cầu tổng thống Mỹ gây sức ép để Bắc Kinh xóa sổ các "trại giam tập thể" ở khu tự trị này.
Các nghị sĩ Mỹ đã chỉ đích danh Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) trong dự luật và quy trách nhiệm ông này trong việc tạo ra các "trung tâm giam giữ người thiểu số Hồi giáo" ở Tân Cương.
Dự luật mới sẽ cần phải được Thượng viện thông qua trước khi gửi lên ông Trump. Nhà Trắng hiện vẫn chưa lên tiếng về việc liệu ông Trump sẽ ký hay phủ quyết dự luật này.
Tuy nhiên, dự luật có một điều khoản cho phép Tổng thống miễn trừ trừng phạt nếu ông xác định điều đó là nằm trong lợi ích quốc gia.
Theo báo cáo hồi tháng 8 của Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc Liên Hợp Quốc cáo buộc Trung Quốc giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những cộng đồng Hồi giáo tại khu tự trị Tân Cương. Ủy ban cũng bày tỏ lo ngại về thông tin người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát nghiêm ngặt, thậm chí bị quét điện thoại di động tại các trạm kiểm soát. Mỹ, Canada, Pháp, Đức đã kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại cải huấn ở Tân Cương.
Trung Quốc từ lâu khẳng định Tân Cương đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phiến quân Hồi giáo và những phần tử ly khai, đồng thời bác bỏ báo cáo của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, sau những phủ nhận ban đầu, quan chức Bắc Kinh cho biết một lượng nhỏ người phạm tội đã được gửi đến các "trung tâm đào tạo nghề", nơi họ được dạy nghề và kiến thức pháp lý.
Các nhà nghiên cứu phương Tây cho hay ngân sách Trung Quốc chi cho xây dựng liên quan đến an ninh ở Tân Cương tăng gấp ba lần trong năm 2017. Dù Trung Quốc khẳng định tiến hành hoạt động đào tạo nghề, dữ liệu của chính quyền Tân Cương cho thấy tình trạng việc làm chưa được cải thiện rõ rệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận