Hạ tầng sân bay - cảng biển: Tương lai cho Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
Nhiều sân bay, cảng biển ở miền Trung đã được quy hoạch để nâng cấp và mở rộng, được kỳ vọng sẽ như “chiếc đũa thần”, biến tiềm năng, lợi thế của vùng đất miền Trung phát triển năng động trong tương lai.
Nâng cấp cảng biển
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung sở hữu nhiều tiềm năng, giữ vai trò trọng yếu thúc đẩy phát triển kinh tế toàn Vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đây cũng là nơi tập trung đầy đủ các loại hình giao thông, là cửa ngõ ra biển của các nước tiểu vùng sông Mê kông mở rộng… Trong những năm qua, nhiều tuyến đường bộ, hầm đường bộ được đầu tư xây dựng, mở rộng đã phát huy giá trị, kích hoạt sự phát triển của miền Trung.
Nhưng, điều đó là chưa đủ để đưa kinh tế miền Trung cất cánh, khi hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ; cảng biển và sân bay tuy nhiều, nhưng chưa đủ hiện đại, tầm cỡ quốc tế. Đó là bài toán đặt ra cho miền Trung. Các địa phương đều nhận thấy điều đó và đã có tầm nhìn xa hơn trong quy hoạch đầu tư hạ tầng cảng biển.
Tại Đà Nẵng, trước thực trạng cảng Tiên Sa quá tải và xung đột với phát triển du lịch, TP. Đà Nẵng đã đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, tổng mức đầu tư phần hạ tầng dùng chung là 3.426 tỷ đồng để phát triển 2 bến cảng ban đầu, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container 6.000 - 8.000 TEUs.
Trong kết luận về Dự án Cảng Liên Chiểu, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, cần sớm nâng cấp Khu bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và TP. Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng đang gấp rút thực hiện những bước đi cần thiết để dự án này có thể sớm triển khai.
Không riêng Đà Nẵng, những địa phương khác cũng đang “chạy đua” để phát triển hạ tầng cảng biển. Phú Yên đang kêu gọi đầu tư mở rộng cảng Vũng Rô, trong khi đó, cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) cũng sẽ được nâng cấp để đến năm 2030 đạt 8,9 - 10,2 triệu tấn/năm thông qua cảng, tiếp nhận tàu hàng tải trọng 30.000 - 50.000 tấn…
Tại Quảng Nam, mới đây, Thaco khởi công Dự án Mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn với vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, đây là dự án trọng tâm nhằm đẩy mạnh hoạt động logistics phục vụ giai đoạn đầu tư mới của Thaco, đáp ứng mục tiêu phát triển cảng Chu Lai trở thành cảng loại I và là trung tâm dịch vụ logistics tập trung.
Kỳ vọng vào sân bay
Cùng với cảng biển, các địa phương tại miền Trung đặt nhiều kỳ vọng từ việc đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay. Một khi sân bay được nâng cấp và kết nối, đồng nghĩa du khách, nhà đầu tư sẽ tìm đến nhiều hơn, tạo động lực phát triển cho địa phương.
Trong Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu vực miền Trung có 7 sân bay, gồm 3 sân bay quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 sân bay quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa). Chính phủ cũng đã quyết định tập trung nghiên cứu, tiến hành nâng cấp, mở rộng 21 sân bay hiện hữu để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không; trong đó miền Trung có các sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hoà.
Sở hữu nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp, Phú Yên đang phát triển du lịch rất nhanh, nhiều dự án du lịch đẳng cấp đã và đang được đầu tư. Tuy nhiên, lượng du khách đến với Phú Yên chưa tương xứng với tiềm năng, nguyên nhân chính là do giao thông chưa thuận tiện, chưa có những chuyến bay kết nối.
Cảng hàng không Tuy Hòa đang dần quá tải, mỗi tuần chỉ có 25 chuyến bay nội địa 2 tuyến TP.HCM - Tuy Hòa, Hà Nội - Tuy Hòa và ngược lại. Tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Công ty cổ phần Hàng không Vietjet là nhà đầu tư chính thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng các công trình tại Cảng hàng không Tuy Hòa để nâng công suất.
Tương tự, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng đang đối mặt với nguy cơ bị quá tải, dù mới được nâng cấp năm 2017. Khách du lịch đến với Đà Nẵng đang tăng 40%/năm, dự kiến đến năm 2020, lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Đà Nẵng đạt 13 triệu lượt/năm, lượng hàng hóa thông qua là 50.000 tấn/năm; đến năm 2030 là 28 triệu lượt hành khách/năm và 200.000 tấn hàng hóa/năm. TP. Đà Nẵng cũng đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm nghiên cứu mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Liên quan đến sân bay Chu Lai, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh Quy hoạch chi tiết một số hạng mục công trình Cảng hàng không quốc tế Chu Lai - tỉnh Quảng Nam, giai đoạn đến năm 2030.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc đầu tư, quy hoạch hạ tầng cảng biển, sân bay một cách đồng bộ và có tính liên kết sẽ tháo gỡ được nút thắt, đưa kinh tế miền Trung phát triển mạnh mẽ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận