Hà Nột: Siết chặt thị trường hàng tiêu dùng giữa tâm bão Covid - 19
Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội mới đây đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid – 19.
Phạt gần 500 triệu đồng vi phạm về vật tư y tế
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid – 19, nhu cầu các mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tăng đột biến khiến các mặt hàng này luôn trong tình trạng khan hiếm, tạo cơ hội để tiểu thương đẩy giá bán cao thu lời bất chính.
Cụ thể, kể từ ngày 31/1/2020, sau khi thông tin phát hiện 3 trường hợp công dân Việt Nam mắc bệnh viêm phổi do virus corona gây ra, nhiều người dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận đổ xô đến các cửa hàng thuốc, cửa hàng vật tư y tế để mua khẩu trang, dung dịch rửa tay khô, găng tay y tế dẫn đến tình trạng cháy hàng.
Trước cảnh hàng trăm người đến hỏi mua khẩu trang, một số cửa hàng, hiệu thuốc còn mặt hàng này đã tăng giá chóng mặt. Cụ thể, một hộp khẩu trang loại giá rẻ, thường ngày chỉ có giá 40.000 đồng đã bị nâng giá thành 150.000 đồng; loại tốt hơn có giá từ 80.000 - 90.000 đồng/hộp đã bị nâng lên thành 250.000 đồng, thậm chí 300.000 đồng/hộp. Với mặt hàng nước rửa tay, găng tay y tế cũng trong tình trạng bị thổi giá lên gấp nhiều lần.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác, kiểm tra giám sát tình hình địa bàn nhằm phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi lợi dụng dịch bệnh mua gom, vận chuyển, đầu cơ, găm hàng, tăng giá, định giá mua bán bất hợp lý các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Thông tin từ ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, tính đến nay Thành phố đã ký kết với 2.575 hộ kinh doanh dụng cụ y tế về việc không tăng giá bán các loại vật tư y tế thiết yêu trong phòng chống dịch Covid – 19. Đồng thời, kiểm tra 242 cơ sở kinh doanh mặt hàng y tế có dấu hiệu sai phạm và đã tịch thu gần 737.000 khẩu trang và hơn 8.000 chai gel nước sát khuẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ, phạt hành chính gần 500 triệu đồng.
Cũng theo ông Kiên, sau khi tịch thu, đơn vị đã phối hợp Sở Y tế tiến hành kiểm nghiệm các sản phẩm khẩu trang và gel nước rửa tay về tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời bàn giao lần đầu 126.116 khẩu trang cho Sở Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19.
Bên cạnh việc giám sát, quản lý chặt chẽ các mặt hàng vật tư y tế, những mặt hàng tiêu dung thiết yếu trên thị trường như như lương thực, thực phẩm, xăng dầu… cũng được Hà Nội đặt trong tình thế cấp thiết, nhất là khi ca nhiễm Covid -19 thứ 17 cũng là ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội được phát hiện.
Giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại
Cụ thể, ngày 7/3/2020, ngay sau khi thông tin một bệnh nhận 26 tuổi, cư trú tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) dương tính với COVID-19, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố gần Hà Nội có hiện tượng nhiều người dân mua tích trữ các mặt hàng thực phẩm, thiết bị y tế, hàng hóa thiết yếu. Hiện tượng thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đã xuất hiện tại một số chợ dân sinh, cơ sở kinh doanh tạp hoá.
Để góp phần ổn định cung cầu thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cũng ngay trong ngày 7/3, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương, đặc biệt là Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch.
Đặc biệt, các lực lượng chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng là hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh.
Cũng trong ngày 7/3/2020, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, đội quản lý thị trường tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân, các sản phẩm khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng... Bên cạnh đó, thực hiện ký cam kết không tăng giá, bán hàng hóa đúng giá niêm yết, đảm bảo ổn định thị trường. Đồng thời chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân không hoang mang ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đáng chú ý, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã phối hợp với Sở Công thương Hà Nội tiến hành rà soát các chợ và Trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội để rà soát tình hình giá cả và việc cung ứng hàng hóa, tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh không tăng giá bất hợp lý, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện 20.000 chiếc khẩu trang tại một điểm kinh doanh thuốc thuộc khu đô thị Tây Nam Linh đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh làm rõ.
Theo ông Chu Xuân Kiên, các đội quản lý thị trường trên địa bàn đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng có hành vi lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, dự trữ tăng cao để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý. “Chúng tôi kiên quyết xử lý các trường hợp bán hàng không niêm yết giá, không đúng giá niêm yết, hoặc trà trộn hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... để thu lợi bất chính”, ông Kiên nhấn mạnh.
Còn theo bà Trần Phương Lan, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết ngay khi công bố dịch, Hà Nội vẫn đang triển khai bình ổn thị trường với hơn 31.000 tỷ đồng, nên đơn vị phân phối ở thành phố vẫn có lượng hàng đầy đủ, tăng nguồn hàng hóa đến 30-50%.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã t ký cam kết đến 2.575 đơn vị kinh doanh vật tư y tế và 153 đơn vị kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, xử lý 208 vụ việc, phạt hành chính trên 494 triệu đồng, tạm giữ 841.004 chiếc khẩu trang và 8.695 sản phẩm rửa tay sát trùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận