Hà Nội xin chủ động bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội
TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Báo cáo về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn Hà Nội mới đây, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 04 dự án hoàn thành toàn bộ, 01 dự án hoàn thành 1 phần với khoảng 345.488 m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 4.168 căn hộ; đã bao gồm 01 dự án xây dựng nhà ở công nhân hoàn thành với khoảng 0,13 triệu m2 sàn, khoảng 1.170 căn hộ.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm khoảng 12.000 nhà ở xã hội. ẢNH: LV
Ngoài ra, hiện có 40 dự án đang triển khai, gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 869.000 m2 sàn, 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1.689.000 m2 sàn, 22.400 căn hộ; trong đó có 06 dự án xây dựng nhà ở công nhân với khoảng 0,31 triệu m2 sàn với gần 8.000 căn hộ nhà ở công nhân.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo đại diện UBND TP Hà Nội, về quy hoạch: Hiện nay quy định của pháp luật về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021) còn có điểm bất cập, nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại ở khu vực ngoại thành không phù hợp bố trí nhà ở xã hội (như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức…) hoặc dự án nhà ở thương mại có quy mô ≥ 2ha nhưng có diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ, theo quy định vẫn phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Do đó việc phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án không phù hợp và manh mún, tuy nhiên theo quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án này (khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).
Về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội có quy mô sử dụng dưới 10 ha: Pháp luật hiện hành chưa quy định, hướng dẫn sử dụng khoản tiền thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp tương đương quỹ 20%, 25% đất ở tại dự án để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 1 Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của HĐND thành phố Hà Nội), trong khi đó nguồn lực tài chính của Thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.
Cũng theo đại diện Hà Nội, quy định về chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% thuộc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị được dành 20% tổng diện tích đất ở trong dự án nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư (tại: Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP). Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ không quy định chuyển tiếp đối với cơ chế, ưu đãi này (chỉ quy định chuyển tiếp nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội) dẫn đến khó khăn khi chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Luật Nhà ở 2014 (điểm d khoản 1 Điều 58), Nghị định 49/2021/NĐ-CP (khoản 8 Điều 1) quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan Nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Bổ sung quỹ đất nhà ở xã hội
Đại diện UBND TP Hà Nội kiến nghị: Đối với khó khăn, vướng mắc về quy hoạch kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn Thành phố; Đồng thời, giao quyền cho Thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê (nhà lưu trú, tạm trú theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).
Đối với khó khăn, vướng mắc về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.
Đối với khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận