Hà Nội xin 2 dự án nhà ở thương mại cho cán bộ: Bộ Xây dựng nói gì?
Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp Văn phòng Chính phủ việc cho ý kiến về 2 dự án nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức đang triển khai tại các quỹ đất 20% trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo nội dung Văn bản số 1202/UBND-ĐT ngày 26/3/2019 của UBND TP. Hà Nội gửi kèm Công văn số 2591/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về 02 dự án nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố, dự án nhà ở cao tầng tại ô đất I.A.25 Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn II, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm để bán cho cán bộ, công chức của thành phố thuộc quỹ đất 20% (chủ đầu tư khu đô thị phải bàn giao cho TP. Hà Nội để phục vụ tạo quỹ đất, quỹ nhà tái định cư và các mục tiêu khác của thành phố theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UBND ngày 06/12/2001 của UBND TP. Hà Nội).
Ngày 19/10/2010, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 5118/QĐ-UBND về việc chấp thuận đầu tư cho phép Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC thực hiện Dự án; ngày 02/8/2017, UBND thành phố có Quyết định số 5181/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (quy mô và tiến độ đầu tư dự án).
Khu đất thực hiện Dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục về đất đai. Tuy nhiên hiện nay, dự án đang dừng giao đất, dừng triển khai đầu tư xây dựng (do thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 1203/KL-TTCP ngày 16/5/2017).
Dự án Nhà ở tại NO2, số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân để bán cho cán bộ, công chức, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc quỹ đất 20% (chủ đầu tư khu đất 275 Nguyễn Trãi phải bàn giao cho TP Hà Nội theo Quyết định số 153/2006/QĐ-UBND ngày 31/8/2006 của UBND TP. Hà Nội).
Khu đất thực hiện dự án Nhà ở tại NO2 quận Thanh Xuân (dấu X) để bán cho cán bộ, công chức, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc quỹ đất 20% nhiều năm không được triển khai.
Ngày 07/3/2012, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 1526/UBND-KH&ĐT chấp thuận đầu tư cho phép Công ty Cổ phần Thương mại Hưng Việt thực hiện Dự án. Khu đất thực hiện Dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục về điều chỉnh Dự án. Tuy nhiên hiện nay, dự án đang dừng triển khai thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, dừng triển khai đầu tư xây dựng (do thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 1203/KL-TTCP ngày 16/5/2017).
Đến nay, UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, cho phép tiếp tục triển khai đối với 02 dự án này theo phương thức nhà ở thương mại (giá rẻ do có kiểm soát lợi nhuận không quá 10% và thu tiền sử dụng đất theo bảng giá đất của thành phố) dành để bán cho cán bộ, công chức, viên chức của Sở Tài nguyên & Môi trường và của thành phố nói chung (không phải chỉ dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp và khó khăn về nhà ở).
Về việc này, theo Bộ Xây dựng, quy định hiện hành của pháp luật về đất đai (tại Điểm a, Khoản 1, Điều 118, Luật Đất đai 2013) thì các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Trường hợp cho phép đầu tư nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố thì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, chủ đầu tư dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án; nhà ở của dự án được bán cho các đối tượng là người có thu nhập thấp (trong đó có các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức của thành phố) và có khó khăn về nhà ở.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố thì UBND TP. Hà Nội cần báo cáo cụ thể về cơ chế, chính sách áp dụng đối với các dự án để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định cụ thể: “Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng NƠXH… Mặc dù luật đã quy định rõ, nhưng tại TP Hà Nội, số dự án NƠXH được trích từ quỹ đất 20% chỉ đếm trên đầu ngón tay như: NƠXH Khu đô thị Đặng Xá Gia Lâm, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Khu đô thị Sài Đồng Long Biên, Khu đô thị Đại Mỗ… Với số lượng dự án này chỉ đủ cung cấp một yêu cầu rất nhỏ cho người thu nhập thấp. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận