Hà Nội vẫn còn “điệp khúc – mưa là ngập”, vì đâu?
Mặc dù đã đầu tư số tiền lớn lên tới gần 20.000 tỷ cho các dự án thoát nước, thế nhưng, chỉ mới đầu mùa mưa, nhiều nơi tại Hà Nội lại trở về “điệp khúc – mưa là ngập”, vì đâu?
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước, từ năm 2005 đến nay, UBND TP. Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án thoát nước. Trong đó, lớn nhất là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền lên tới hơn 19.000 tỷ đồng như: dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2016; dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông với mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và dự án Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.
Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận.
Đầu tư lớn là vậy, thế nhưng, nhiều năm qua, Hà Nội vẫn liên tục chìm trong “điệp khúc – mưa là ngập” tại nhiều nơi, trên nhiều tuyến phố, khiến dư luận không khỏi quan ngại về chất lượng đầu tư công trình chưa tương xứng với giá trị đã bỏ ra.
Thực tế, mới chỉ bước vào đầu mùa mưa năm 2021, thế nhưng, người dân Thủ đô đã phải ngán ngẩm khi mưa đổ xuống, nhiều con đường chìm trong biển nước, không chỉ bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, thực trạng trên còn gây ra nhiều thiệt hại về tài sản.
Đỉnh điểm là ngày 17/4 vừa qua, sau trận kéo dài khoảng 2 tiếng, nhiều tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long đã rơi vào tình trạng ngập nặng, có đoạn ngập đến 50cm, có nơi đến gần 1m và kéo dài hàng km khiến các phương tiện không thể lưu thông.
Ngoài đường gom Đại lộ Thăng Long, các tuyến phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, khu tập thể 18, phường Phú La, quận Hà Đông, khu vực Tân Triều... cũng có nhiều điểm ngập khoảng 10 - 20 cm.
Sáng nay 26/4, sau trận mưa kéo dài, một số nơi tại địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục ghi nhận tình trạng ngập úng, trong đó, phải kể đến khu vực Ecohome3, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm khi hàng loạt chiếc xe ô tô của người dân bị ngâm trong nước.
Trước đó, ngày 17/4, tại các đường gom Đại Lộ Thăng Long, tình trạng ngập úng đã xuất hiện sau những trận mưa đầu mùa - Ảnh: DS
Trước thực trạng trên, dư luận không khỏi không đặt dấu hỏi, thực trạng “điệp khúc – mưa là ngập”, vì đâu?
Thông tin với báo chí, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hệ thống thoát nước của Hà Nội kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Sau đó, Hà Nội mở rộng, nhưng đầu tư hệ thống thoát nước khá tùy tiện.
Theo ông Ánh, việc đô thị hóa mạnh dẫn đến rác thải không được thu gom tốt, gây tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Trong khi, việc duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy vẫn hạn chế khiến Hà Nội ngập nặng hơn.
Cũng theo ông Ánh: TP. Hà Nội có sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, nhưng thực tế hệ thống thoát nước ở Hà Nội vẫn chủ yếu là tự chảy. Nhưng đường ống tự chảy lại quá dài, năng lực tiêu thoát hạn chế. Vì vậy, cần quy hoạch nhiều điểm trạm bơm thoát nước, giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập... giống như “ắc quy nước” có tác dụng giảm áp lực của mưa lượng lớn, nâng cao năng lực thoát nước cho nội thành và tận dụng nước mưa.
Trước đó, nhận định về hệ thống thoát nước của Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cũng cho rằng, cần điều chỉnh lại dự án thoát nước bởi trước đây, dự án thoát nước của Hà Nội chỉ tính đến lưu lượng nước mưa 200mm. Nhưng hiện tại, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Hà Nội đã có những đợt mưa với lượng mưa 300 - 400mm.
Liên quan đến thực trạng đã nêu, xác nhận với báo chí, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng cho biết, trong năm 2021, Hà Nội còn 11 khu vực trọng điểm về ngập úng khi có mưa lớn. Trong đó, tại quận Hoàn Kiếm tồn tại điểm ngập nặng nhất là ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; quận Ba Đình là điểm Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị; phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho; quận Hai Bà Trưng là điểm ngập trên phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy; quận Đống Đa có điểm ngập trên phố Nguyễn Khuyến; quận Cầu Giấy là điểm ngập trên phố Hoa Bằng…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận