Hà Nội: Tiếp tục dừng hoạt động rạp chiếu phim, quán bar, karaoke, massage...
Ngày 24/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo.
Hà Nội 9 ngày không phát sinh ca nhiễm Covid-19 mới
Tại phiên họp, Sở Y tế Hà Nội báo cáo cho biết, tại Việt Nam đến ngày 24/4/2020 có 268 ca mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố. Đến nay, 225 trường hợp đã khỏi bệnh ra viện, còn 43 trường hợp đang được điều trị, chưa có trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, ngày 24/4, bệnh nhân 137 dương tính trở lại sau khi xuất viện. Cụ thể, bệnh nhân 137 từ Đức về Việt Nam, được điều trị từ 25/3 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương do dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến ngày 7/4, sau nhiều lần xét nghiệm và âm tính liên tiếp, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân tiếp tục được cách ly tại Bệnh viện từ ngày 7 đến 21/4. Ngày 22/4, bệnh nhân được về quê ở Nghệ An. Tuy nhiên ngày 23/4, Bệnh viện yêu cầu bệnh nhân quay trở lại để kiểm tra do nghi ngờ dương tính trở lại, chiều cùng ngày, bệnh nhân có kết quả dương tính.
Riêng Hà Nội có 112 ca mắc (81 trường hợp đã khỏi ra viện, 31 trường hợp đang điều trị). Từ ngày 15/4 -24/4/2020 Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới.
Dự báo, tại Việt Nam ngày thứ 8 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới, tại Hà Nội ngày thứ 9 (kể từ ngày 15/4/2020) không xuất hiện ca mắc mới, từ tuần thứ 14 (có số ca mắc cao nhất) đến nay số ca mắc liên lục giảm qua các tuần: Tuần 14 (25 ca mắc), tuần 15 (15 ca mắc), tuấn 16 (04 ca mắc) và tuần 17 chưa ghi nhận ca mắc. Đặc biệt không phát sinh ca mắc mới từ ổ dịch Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và ổ dịch tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín.
Tuy tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và tại Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, liên tiếp nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới, song tình hình dịch bệnh trên thế giới và đặc biệt tại một số nước xung quanh khu vực như: Singapore, Malaysia, Philippin, Thái Lan vẫn diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các nước có thể đối mặt với làn sóng dịch thứ 2.
Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, do vậy không thể chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, không để phát sinh ca nhiễm/ổ dịch mới.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các hoạt động phòng chống dịch, trong đó cần tập trung cho công tác tuyên truyền, điều tra phát hiện các trường họp liên quan tới ca bệnh/ổ dịch để áp dụng các biện pháp giám sát sức khỏe, cách ly y tế theo quy định. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch.
Kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải hành khách; hành khách lên xe phải đeo khẩu trang và được sát khuẩn tay; khử khuẩn xe trước và sau khi kết thúc ngày làm việc.
Các trường học, cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại: Vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, đảm bảo đủ nhiệt kế điện tử để kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, giáo viên... tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện các quy định về phòng chống dịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử trí trường họp nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học.
Công an Thành phố chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ quy định phòng chống dịch; Bố trí lực lượng tại các điểm dừng đèn đỏ để hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách.
Các địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng...
Xử lý nghiêm các chợ cóc phát sinh…
Tại phiên họp, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, 2 ngày vừa qua, sau khi có chỉ đạo của thành phố, cho phép các phương tiện giao thông công cộng hoạt động trở lại từ 20%-30% công suất, cơ bản các phương tiện hoạt động theo đúng quy định. Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ban chỉ đạo cho phép các phương tiện đi qua (không dừng lại) đoạn Quốc lộ 1 và Pháp Vân Cầu Rẽ trên địa bàn 2 huyện có ổ dịch Mê Linh và Thường Tín.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Phương Lan, trong 2 ngày 23 và 24/4, hầu hết các siêu thị và Trung tâm Thương mại đã mở cửa trở lại, song một số gian hàng trong Trung tâm Thương mại chưa kịp chuẩn bị nên vẫn còn đóng cửa. Khảo sát tại các chợ dân sinh, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, tất cả hệ thống phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống đảm bảo đáp ứng đủ; ngoài thịt lợn, giá cả các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, gia súc gia cầm… có xu hướng giảm. Sở đang kết nối để tăng cường tiêu thụ mặt hàng cá Hồi (Lào Cai) về các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố…
Qua nắm bắt, bà con tiểu thương tại các chợ Cóc đã chuyển đổi phương thức hoạt động bằng xe máy hoặc xe lưu động… ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Sở Công thương kiến nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp tiếp tục đồng hành cùng ngành Công thương thực hiện tốt chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện theo Chỉ thị 15 của Chính phủ; chỉ đạo xử lý nghiêm các chợ cóc phát sinh…
Tiếp tục dừng hoạt động rạp chiếu phim,quán bar, karaoke, massage...
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, hai ổ dịch tại thôn Hạ Lôi và Đông Cứu được xử lý quyết liệt, thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, đến nay các ổ dịch không phát sinh ca mới, tình hình các ổ dịch theo chiều hướng tích cực. Ổ dịch Hạ Lôi đến ngày 5/5, ổ dịch thôn Đông Cứu đến ngày 16/5 mới hết thời gian phong tỏa theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, hiện nay Hà Nội thuộc địa phương “có nguy cơ”, riêng 2 huyện Mê Linh, Thường Tín được xác định là huyện “nguy cơ cao”. Trên địa bàn, thời gian qua xuất hiện ca bệnh không có triệu chứng, hoặc ca bệnh qua 14 ngày mới phát hiện, do vậy, dịch bệnh vẫn còn khả năng lây lan.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dựa vào thực tiễn của Hà Nội thực hiện 2 mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đồng thời, khởi động, phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô. Đối với 2 huyện Mê Linh và Thường Tín là địa bàn có nguy cơ cao, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 05 của UBND thành phố và Văn bản 2601 của Văn phòng Chính phủ…
Phó Chủ tịch nhấn mạnh, các Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thực hiện giải pháp theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo 164. Trong đó, xử lý ổ dịch, tăng cường phát hiện, xét nghiệm, cách ly và dập dịch. Tuyên truyền nhân dân rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang, giãn khoảng cách tại nơi công cộng; không ra ngoài khi không cần thiết; người có biểu hiện sốt, ho, khó thở không nên đến công sở, trường học, nơi công cộng và liên hệ cơ sở y tế để được hướng dẫnkhám, chữa bệnh… Dừng tổ chức các sự kiện văn hóa ở nơi công cộng, các sự kiện tôn giáo. Tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến một số ngành như: du lịch, vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke, game Internet, massage, nhà hát, … Phó Chủ tịch đề nghị tiếp tục dừng hoạt động. Đây là những hoạt động tập trung đông người, dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức làm việc trực tuyến. Đối với công tác vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận Tải; các phương tiện giao thông cộng cộng thực hiện theo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố ngày 22/4. Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc phòng, chống dịch tại các cơ sở trên địa bàn…
Bên cạnh đó, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành hướng dẫn cụ thể công tác phòng, chống dịch đối với mỗi loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ, trường học. Các Bệnh viện thực hiện giải pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: đảm bảo an toàn cho đội ngũ y cán bộ bác sỹ; mỗi người nhà chỉ có 1 người nhà chăm sóc… Sở Y tế rà soát, tính toán các phương án, kịch bản dịch bệnh trong tình hình mới; mua sắm trang thiết bị để sẵn sàng khi dịch bệnh xảy ra. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án khi học sinh đi học trở lại; tổ chức kỳ thi THPT cũng như tuyển sinh đầu cấp…
Đối với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về các tuyến đường liên tỉnh đi qua 2 huyện Mê Linh và Thường Tín, Phó Chủ tịch đồng ý để các phương tiện đi qua nhưng phải kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng các quy định…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận