Hà Nội thu phí xe vào nội đô: Đang nghiên cứu đề xuất phương án tối ưu
Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nội thành do Sở GTVT Hà Nội đề xuất đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.
Một số chuyên gia cho rằng, đề án này hiện nay không có tính khả thi bởi hạ tầng các phương tiện giao thông công cộng của Thủ đô chưa đáp ứng được đa số nhu cầu di chuyển của người dân. Việc thiết lập 87 trạm thu phí theo đề án trên cũng cần phải tính toán thật kỹ, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của đại bộ phận dân chúng, không chỉ riêng người dân Hà Nội mà còn đối với nhu cầu đi lại, kinh doanh hàng ngày của người dân các tỉnh xung quanh.
Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với đại diện Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Đình Chiển, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính xoay quanh những vấn đề dư luận đang quan tâm.
Ùn tắc giao thông do vượt quá lưu lượng thiết kế
NĐT: Ùn tắc giao thông tại Hà Nội trong những năm qua ngày càng trở lên nghiêm trọng. Theo ông nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Ông Nguyễn Đình Chiển: Việc đánh giá khu vực ùn tắc vào nội đô căn cứ vào lưu lượng xe quy đổi ngày - đêm thông qua mặt cắt. Hiện nay các tuyến đường trong nội đô đã vượt lưu lượng thiết kế, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn, tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
NĐT: Được biết, Sở GTVT đang triển khai xây dựng đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nội thành với biện luận, dùng hình thức này để tác động đến hành vi của người dân, qua đó giảm lượng phương tiện cá nhân. Sở GTVT Hà Nội có tính toán đến những tác động này trên bình diện xã hội chung?
Ông Nguyễn Đình Chiển: Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đang là vấn đề cấp bách, cần phải kịp thời có các giải pháp phù hợp để từng bước khắc phục.
Tại kỳ họp thường niên tháng 04/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố, Sở GTVT đã đề xuất cho triển khai nghiên cứu hai đề án:
Đề án thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào;
Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận sau năm 2030.
Hiện hai đề án này đang giao đơn vị tư vấn khảo sát hiện trạng, đánh giá những bất cập, nghiên cứu đề xuất phương án khoa học, tối ưu.
Các nội dung chi tiết Nhà báo nêu ra sẽ được Sở Giao thông vận tải chuyển tới đơn vị Tư vấn để tiếp thu, nghiên cứu xây dựng đề án. Khi đề án hoàn thiện báo cáo đầu kỳ, Sở GTVT sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan quản lý, ý kiến tham gia phản biện xã hội của các nhà khoa học, của người dân để hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đẩy nhanh phát triển các loại hình giao thông công cộng
NĐT: Vậy kế hoạch, quy hoạch phát triển các phương tiện công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đã được Sở GTVT tính toán ra sao?
Ông Nguyễn Đình Chiển: Về vấn đề này, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 16/10/2020 về kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn từ năm 2021 đến 2030. Mục tiêu là tăng tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng lên 30-35% trong năm 2025. Và đến năm 2030 tỷ lệ này sẽ là 45-50%, trong đó xe buýt 25%, đường sắt đô thị 8- 10,3%.
Theo dự kiến, năm 2025, Hà Nội sẽ có ba tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động. Đến năm 2030, dự kiến có 04-05 đoạn tuyến đường sắt đô thị, 6.700- 6.800 xe buýt, 78.000-1 08.000 xe taxi và hợp đồng đến 9 chỗ.
NĐT: Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Tây Ban Nha…phương án giải quyết ùn tắc là quy hoạch đồng bộ theo phân khu, phân bổ đều các cơ sở sản xuất, nhà máy, trường Đại học… ra khỏi nội đô để giảm ách tắc.
Tại sao Hà Nội không tham khảo và học tập theo các phương án này?
Ông Nguyễn Đình Chiển: Việc giải quyết ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô của các nước phát triển và các nước đang phát triển đều dựa trên nghiên cứu tổng thể các giải pháp, trong đó có giải pháp quy hoạch đồng bộ theo phân khu, di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy, trường Đại học… ra khỏi nội đô để giảm ách tắc. Việt Nam chúng ta không là trường hợp ngoại lệ.
Việc di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội đô đã được định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011, hiện nay đang rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng đã được luật hóa tại Điều 9, 15 Luật Thủ đô, trong đó, giao Thủ tướng Chính phủ quy định biện pháp và lộ trình di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành.
Ngày 23/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và UBND Thành phố.
NĐT: Xin cám ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận