'Hà Nội sẽ dẫn đầu thị trường bất động sản trong ngắn hạn'
Nguồn cung dồi dào, thanh khoản cao, làn sóng Bắc tiến là những yếu tố khiến thị trường bất động sản Hà Nội tiếp tục dẫn đầu những năm tới, theo chuyên gia CBRE Việt Nam.
Tại Hội thảo "Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội" do Cafeland tổ chức sáng 24/10, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, nhận định trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ là thị trường bất động sản chủ lực "vượt mặt" TP HCM.
Dẫn chứng cho luận điểm trên, ông Kiệt cho biết diễn biến tại hai thị trường lớn nhất nước đã có sự khác biệt rõ rệt những tháng qua. Trong khi TP HCM vẫn chật vật phục hồi, sức nóng đang nghiêng về Hà Nội, biểu hiện cụ thể nhất ở nguồn cung, thanh khoản và giá.
Cụ thể trong quý III, nguồn cung mới ở Hà Nội là 8.277 sản phẩm, TP HCM chỉ có 127 sản phẩm (thấp nhất một thập kỷ trở lại đây). Từ nay đến năm 2026, Hà Nội dự kiến có 38.000 căn, còn TP HCM chỉ khiêm tốn với 29.000 căn - trước nay thị trường này luôn ở thế dẫn đầu cung cầu nhà đất.
Bất động sản thành phố Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Về thanh khoản, riêng quý vừa qua, TP HCM có khoảng 2.000 sản phẩm được hấp thụ, duy trì ở mức ổn định, còn Hà Nội có sức mua rất sôi động với độ hấp thụ tương đương nguồn cung (hơn 8.000 căn). Giá nhà Hà Nội tăng 16- 27%, còn TP HCM chỉ tăng 4-8%. Thông thường giá nhà Hà Nội luôn thấp hơn TP HCM khoảng 10-15 triệu đồng mỗi m2, nhưng hiện tại gần như ngang nhau, thậm chí dự kiến còn tăng cao hơn trong những năm tới.
"Triển vọng dài hạn cho cả hai thị trường vẫn được đánh giá tích cực nhưng trong ngắn hạn, Hà Nội vẫn sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm chính", ông Kiệt nhận định.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savillls, cho rằng Hà Nội đang ở một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong khi TP HCM vẫn loay hoay với bài toán phục hồi.
Không chỉ chiếm ưu thế về nguồn cung, yếu tố quan trọng hơn nữa theo ông Khương là Hà Nội có nền tảng phát triển hạ tầng khá tốt, quỹ đất đa dạng và dư địa mở rộng các đại đô thị lớn, tập trung ở phía Tây và cả phía Đông. Các chủ đầu tư phía Nam cũng đang Bắc tiến để tìm quỹ đất phát triển dự án, kéo theo đó là lượng lớn nhà đầu tư bất động sản đổ về thị trường này. Đây sẽ là động lực để tạo ra nhu cầu rất lớn đối với thị trường Hà Nội trong thời gian tới.
Còn với TP HCM, xét về nhu cầu nhà ở, nhất là nhà vừa túi tiền vẫn còn dư địa phát triển nhưng rào cản của thị trường này là nguồn cung và câu chuyện hạ tầng đầu tư công. Thời gian qua, chính quyền thành phố đã tích cực gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án, bên cạnh đó cũng vừa ban hành bảng giá đất điều chỉnh, giúp đẩy nhanh giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư công và hạ tầng, từ đó tạo tiền đề để thị trường bước vào chu kỳ mới.
"Dù vậy, thị trường TP HCM vẫn cần thêm thời gian, ít nhất là 2-3 năm để thẩm thấu các thay đổi về chính sách, có động lực phục hồi và lấy lại vị thế đầu tàu", ông nhìn nhận.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng lợi thế của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là câu chuyện an toàn về mặt chính sách, với tăng trưởng hơn 6% trong 10 năm qua. Một điểm mà thị trường đang kỳ vọng rất lớn là các luật quan trọng như Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Đất đai chính thức có hiệu lực sớm, kỳ vọng giúp khơi thông những ách tắc liên quan đến pháp lý còn tồn đọng trước nay.
Từ nay đến cuối năm, chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ khung pháp lý cùng các văn bản hướng dẫn để sớm đưa các luật liên quan bất động sản vào thực tiễn. Tuy còn cần thời gian để thẩm thấu vào thị trường, các chuyên gia nhìn nhận tác động của các luật đến tâm lý thị trường đang rất tích cực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận