Hà Nội ra "tối hậu thư" với các dự án có tiến độ "rùa bò"
Theo các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, các dự án chậm trễ nhiều năm, xây dựng xong nhưng bỏ hoang, UBND TP Hà Nội nên mạnh tay thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích bằng việc cho các doanh nghiệp có năng lực khác đấu thầu chứ không chỉ xử lý hành chính rồi để đấy.
Trước tình trạng hàng loạt dự án bỏ hoang, chung cư, nhà tái định cư chậm tiến độ, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký văn bản thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội ra "tối hậu thư" với các dự án có tiến độ "rùa bò" trên địa bàn.
“Theo Luật Đất đai 2013, những dự án chậm tiến độ, đã được gia hạn 24 tháng nhưng vẫn không triển khai. Cơ quan chức năng có thể thu hồi mà không phải đền bù tài sản trên đất. Việc thu hồi lại dự án bỏ hoang trên đất công cần phải thực hiện nghiêm khắc nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên phát triển các dự án, đặc biệt là bất động sản, những dự án đã đắp chiếu 10-20 năm, dự án chưa hoàn thiện”.
Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Trước thực trạng này, gần đây UBND Thành phố Hà Nội đã đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế bất động sản bỏ hoang từ 3 tháng trở lên với mức áp thuế dự kiến khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Theo đó, nếu sau 1 năm, bất động sản vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mức thuế sẽ nâng lên 10% trên tổng giá trị.
"Việc đánh thuế sẽ giúp gây áp lực để buộc chủ dự án phải sớm đưa dự án vào khai thác, nhưng cũng không thể nói thu thuế là thu được ngay nếu chúng ta không dựa trên cơ sở pháp luật", một chuyên gia thuế nói.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, qua giám sát gần đây nhất của HĐND Thành phố Hà Nội thì thấy rằng, có nhiều dự án không thực hiện được và đã có trao đổi lấy ý kiến rộng rãi để thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt đầu tư, xử lý 29 dự án (tổng diện tích 1.844,3ha).
“Những con số về diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích… được công bố thời gian qua cho thấy, rõ ràng nếu được sử dụng, triển khai tốt thì là động lực rất lớn cho Hà Nội phát triển. Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Theo Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, trường hợp trên đất bỏ hoang đã có tài sản được hình thành hợp pháp, Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng không thể tịch thu tài sản đầu tư trên đất vì như vậy sẽ trái với pháp luật và không đúng với Hiến pháp. Cơ quan quản lý có thể xử phạt nặng với chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không nộp bồi thường vào ngân sách có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.
Trên thực tế, dù Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nhiều văn bản pháp luật về đất đai khác quy định rất rõ dự án chậm triển khai phải bị thu hồi... Nhưng một điều rõ ràng là nếu các dự án này chỉ bị bêu tên hoặc không bị thu hồi thì sẽ khó thay đổi được hiện trạng. Điều quan trọng là cần phải chỉ rõ ai sẽ chịu trách nhiệm, và chịu như thế nào thì lại chưa được quy định rõ ràng.
"Nhà nước cần quy định rõ hơn trách nhiệm xử lý vấn đề này thuộc về ai, cơ quan nào. Nếu cá nhân, đơn vị có trách nhiệm nhưng không thực thi trách nhiệm thì phải chịu kỷ luật, hoặc nặng hơn thì bị truy tố trước pháp luật. Và để người dân có thể giám sát, ngành chức năng nên công khai chi tiết về các dự án đã được cấp phép, tiến độ thực hiện và thời gian dự án phải hoàn thành", một chuyên gia BĐS nói, đồng thời cho rằng với các dự án chậm quy hoạch cả chục năm có thể cho doanh nghiệp đấu thầu lại để dự án sớm được thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận