Hà Nội phê duyệt 52,4 tỷ đồng hỗ trợ người lao động khó khăn vì Covid-19
Nghị quyết số 42/NQ-CP cần được tập trung ưu tiên thực hiện hàng đầu. Các địa phương cần thực hiện ngay, đơn vị nào gặp khó khăn thì báo cáo với Sở LĐTB&XH Hà Nội để được giải quyết kịp thời.
Ngày 15/7, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2020, với sự chủ trì của Phó Giám đốc phụ trách Hoàng Thành Thái.
Thông tin về công tác chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Tính đến 20/5/2020, TP Hà Nội cơ bản đã hoàn thành chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc nhóm hộ nghèo và cận nghèo). Toàn TP đã có 385.516/385.635 người được nhận hỗ trợ với kinh phí 474,2 tỷ đồng.
Trong đợt chi trả này, có 192 người thuộc diện thụ hưởng nhận đủ chế độ hỗ trợ nhưng sau đó đã tự nguyện trả lại kinh phí hỗ trợ để nhường lại cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Còn 119 người chưa nhận hỗ trợ vì hiện đang vắng mặt tại nơi cư trú. Tỷ lệ chi trả toàn TP đợt 1 đạt 99.97%, làm tròn là 100%.
Đối với công tác hỗ trợ người lao động (NLĐ), hộ kinh doanh và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Quyết định 1955/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 (đợt 2) đã đạt được kết cụ thể.
Tính đến cuối ngày 13/7/2020, đã có 49.859 người được phê duyệt hỗ trợ kinh phí 50.446,8 triệu đồng. 1.982 hộ kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ kinh phí 1.982 triệu đồng và 32 DN có NLĐ được hưởng hỗ trợ.
Ông Quốc Khánh cho biết, hiện nay còn hai huyện Gia Lâm và Phú Xuyên chưa quyết định chi trả cho các nhóm đối tượng.
Ngoài chính sách của T.Ư và TP, nhiều quận, huyện đã huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho giáo viên ngoài công lập, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để ổn định cuộc sống. Huyện Sóc Sơn đã trích nguồn vận động quỹ phòng, chống dịch Covid-19 để hỗ trợ 432 giáo viên trường tư thục, mỗi người 500.000 đồng/tháng x 3 tháng, tổng kinh phí 648 triệu đồng. Huyện Đông Anh hỗ trợ 34,1 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ giáo viên khó khăn.
Tại hội nghị, đại diện các phòng LĐTB&XH đã nêu những khó khăn trong việc phê duyệt hỗ trợ cho NLĐ và DN. Đa số các DN không đủ 4 điều kiện theo quy định để được vay tiền. Vì thế, các quận, huyện rất mong được nơi điều kiện để các DN tiếp cận chính sách vay tiền từ ngân hàng trả lương cho NLĐ.
Thực hiện chính sách đối với lao động tự do, đại diện phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm băn khoăn về việc có cần thiết phải yêu cầu đối tượng đi công chứng hộ khẩu?
Huyện Chương Mỹ vô cùng khó khăn khi phê duyệt đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động. Đến nay, huyện đã phê duyệt được 3.700 đối tượng lao động tự do, hiện đang thực hiện 500 hồ sơ nữa là xong. Chúng tôi mong Sở có ý kiến trả lời về đối tượng lao động tự do chuyên đánh cá đi bán rong có thuộc đối tượng thụ hưởng?” - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Nghĩa nêu ý kiến.
Theo quy định, hết ngày 15/7 là thời hạn cuối cùng các quận, huyện nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh và người sử dụng. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, Sở đề xuất với TP cho nới rộng thời gian nộp hồ sơ cho lao động tự do đến ngày 30/7 hoặc 15/8.
Ông Hồng Dân nhấn mạnh, thực hiện Quyết định 15 là xét duyệt cho các đối tượng NLĐ thụ hưởng theo từng tháng. Những hộ tự chế biến bánh giò; bánh tẻ không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định 15.
“Thực hiện Nghị quyết 42 là yếu tố quyết định được ưu tiên hàng đầu. Vì thế, đề nghị các đơn vị cần tập trung thực hiện ngay. Nếu đơn vị nào có khó khăn thì báo cáo chúng tôi sẽ có giải đáp kịp thời. Đề nghị, các đồng chí thực hiện theo đúng quy trình, quy định và không phát sinh thủ tục nào đối với người dân đủ điều kiện được thụ hưởng” - ông Hồng Dân lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận