Hà Nội phấn đấu đi đầu trong xây dựng nhà xã hội
Hà Nội đã đặt mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất; khống chế lợi nhuận định mức bằng quy định của pháp luật để người thu nhập trên trung bình có thể mua được nhà.
Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại phiên họp báo cáo về công tác lựa chọn nhà đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, và việc triển khai các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn Thủ đô.
Quyết tâm triển khai nhà ở xã hội
Theo kế hoạch trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố sẽ phát triển 5 khu nhà ở xã hội với tổng quy mô sử dụng đất là 248ha. Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 4/5 dự án có quy mô 203ha đất và tổng diện tích sàn nhà ở là 0,83 triệu m2, tương đương 12.300 căn hộ; Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định.
Các dự án bao gồm: dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - nhà ở xã hội Thành phố Kết nối xanh Green Link City (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) với 3.200 căn hộ; dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - nhà ở xã hội (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) với 3.000 căn hộ; dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - nhà ở xã hội tại (xã Cổ Bi,huyện Gia Lâm) với 2.400 căn hộ; dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới - nhà ở xã hội tại (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) và (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) với 3.600 căn hộ.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, đến thời điểm này, việc triển khai 5 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 được đánh giá chậm tiến độ. Trong đó, có xuất phát từ sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Do đó, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu trước mắt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, các sở, ngành, địa phương phải cam kết đến 1/10/2024 có thể khởi công ít nhất một dự án và phải bảo đảm chất lượng lâu dài.
“Mục tiêu cao nhất là xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất; khống chế lợi nhuận định mức bằng quy định của pháp luật để trước mắt, người thu nhập trên trung bình có thể mua được nhà”, Lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và người có hoàn cảnh khó khăn có được một căn nhà ổn định để sinh sống. Do vậy, các sở, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương cần quyết tâm tháo gỡ sớm để có nhiều hơn những dự án nhà ở xã hội được triển khai trong thời gian tới.
Góp phần thúc đẩy mục tiêu của cả nước
Sự quyết tâm phát triển phân khúc nhà ở xã hội của Hà Nội được cho sẽ đóng góp đáng kể vào tiến độ thực hiện các dự án thuộc loại hình này. Theo chỉ tiêu trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng cấp ngành liên quan và các địa phương hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2024 mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đang cùng cấp ngành liên quan và các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng cũng đã chủ động thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội thông qua việc hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp lý liên quan… Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cả doanh nghiệp và người thụ hưởng khi tiếp cận quỹ nhà ở này.
Tính từ giai đoạn năm 2021 đến hết quý 1/2024, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong số đó có 75 dự án đã hoàn thành (quy mô 39.884 căn); 127 dự án đã khởi công xây dựng (114.984 căn) và 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (263.332 căn).
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh hoạt động của Tổ Công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và triển khai hiệu quả "Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng".
Về phía các địa phương cần nghiên cứu đề xuất giải pháp về rút gọn thủ tục pháp lý đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo lại chung cư. Đồng thời, vận dụng sáng tạo, kịp thời trong điều kiện địa phương cho các đối tượng tham gia được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết không để tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận