Hà Nội nói gì về kết luận thanh tra quy hoạch đường Lê Văn Lương?
Lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng nhiều nội dung trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về quy hoạch trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu chưa thoả đáng. TP Hà Nội sẽ rà soát kiến nghị xem xét lại…
Chiều 1/7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022. Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của UBND TP Hà Nội, các sở ngành, đơn vị liên quan đến việc quy hoạch trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu bị "băm nát" vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra.
Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết: Hiện nay, Sở QHKT Hà Nội, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan đang rà soát lại các nội dung mà thanh tra Bộ Xây dựng kết luận.
“Chúng tôi có thời gian 60 ngày để phản hồi lại kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng” - ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cũng khẳng định, trong kết luận thanh tra cũng “không có từ nào nói là băm nát, hay phá vỡ quy hoạch” mà do báo chí đưa tin như vậy, đồng thời cho rằng có một số nội dung trong kết luận thanh tra “không thoả đáng”.
Cụ thể, ông Tuyến lý giải, tuyến đường Lê Văn Lương hình thành lâu, qua nhiều thời kỳ, tình hình kinh tế xã hội có sự thay đổi, chính sách pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị cũng có sự thay đổi. Tại thời điểm năm 2008 khi Hà Tây và một số đơn vị hành chính khác sáp nhập về Hà Nội, do điều kiện thay đổi, Thủ tướng Chính phủ đã phải phê duyệt lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung Thủ đô (quyết định 1259 năm 2011). Trong đó, quy hoạch chung Thủ đô cũng xác định rõ Lê Văn Lương là trục đường ưu tiên phát triển nhà cao tầng, hiện đại với chiều cao tối đa là 45 tầng.
Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng có sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn.
“Như giai đoạn năm 2011-2016, để tháo gỡ sự trầm lắng của thị trường bất động sản, Thủ tướng ban hành Nghị quyết 02, trong đó cho phép chia nhỏ căn hộ để bán. Trong đó cho phép dự án nhà ở nếu tăng mật độ dân cư dưới 1,5 lần thì không phải điều chỉnh lại quy hoạch…” - ông Tuyến dẫn chứng.
Ông Tuyến cũng dẫn quy định tại điều 26, Luật Xây dựng năm 2003, điều 41 và 47 của Luật Quy hoạch đô thị về các điều kiện để điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, có nêu: “Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên” và “quy hoạch đến thời điểm nhất định thì phải điều chỉnh cho phù hợp”.
“Qua đối chiếu, sau khi Hà Nội hợp nhất địa giới, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh 2 quy hoạch gồm quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó là các chính sách để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất… Các yếu tố này hội tụ đầy đủ điều kiện để thành phố xem xét thay đổi quy hoạch. Do đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận không được phép điều chỉnh quy hoạch là không chính xác theo quy định của điều 26, Luật xây dựng năm 2003” - ông Tuyến nói.
'Cao ốc ở Lê Văn Lương không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc'
Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cũng khẳng định việc xây dựng nhiều cao ốc tại trục đường Lê Văn Lương không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông tại nội đô.
“Chúng tôi đã vẽ rất kỹ mạng lưới giao thông tại trục đường này. Hiện tại, khu vực này mới làm được 42% đường theo thiết kế, còn nhiều đường chưa thông tuyến. Thành phố nỗ lực mở đường nhưng còn nhiều khó khăn về nguồn lực” - ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cũng cho hay việc ùn tắc giao thông tại trục đường Lê Văn Lương thường diễn ra vào giờ cao điểm (đầu giờ sáng và giờ tan tầm buổi chiều), trong đó giờ sáng tắc bên chiều vào nội đô, giờ chiều thì tắc chiều ra ngoại ô.
“Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở trục đường Lê Văn Lương mà các tuyến đường ra vào thành phố khác cũng vậy như quốc lộ 32, quốc lộ 6, đường 5. Có những tuyến đường không có nhiều nhà cao tầng cũng xảy ra tắc như đường 5. Xây nhà cao tầng có tăng tải lên giao thông không, đương nhiên có. Nhưng còn nhiều nguyên nhân khác” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, để giảm tải ùn tắc giao thông tại nội đô, nhiều năm qua Hà Nội đã tính toán di dời các cơ sở trường học, bệnh viện, cơ quan ra ngoài nội đô. Thủ tướng cũng đã có Quyết 130 để di dời trụ sở một số cơ quan ra khỏi nội đô và giao cho Bộ Xây dựng chủ trì. Nhưng việc này đến nay chưa triển khai. "Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm lưu lượng giao thông đổ dồn vào khu vực nội đô”, ông Tuyến cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận