Hà Nội kịp thời chi trả mức lương cơ sở mới
Sở Tài chính Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố chủ động sử dụng quỹ tiền lương năm 2024 và nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng từ ngày 01/7/2024…
Theo Sở Tài chính Hà Nội, để đảm bảo việc chi trả tiền lương kịp thời, đúng chế độ quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 và Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ cho cán bộ, công chức, viên chức, Sở Tài chính Hà Nội vừa đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố chủ động sử dụng quỹ tiền lương năm 2024 và nguồn cải cách tiền lương (theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng) đã được UBND Thành phố giao tại Quyết định số 6336/QĐ-UBND ngày 12/12/2023; nguồn cải cách tiền lương còn dư tại các cơ quan, đơn vị (nếu có) để thực hiện chi trả theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng từ ngày 01/7/2024.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài chính Hà Nội đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động sử dụng quỹ tiền lương năm 2024 và nguồn cải cách tiền lương (theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng) đã được UBND Thành phố giao tại Quyết định số 6336/QĐ-UBND ngày 12/12/2023; nguồn cải cách tiền lương còn dư tại các cơ quan, đơn vị (nếu có) để thực hiện chi trả theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng từ ngày 01/7/2024.
Sở Tài chính Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện sử dụng từ các nguồn dành để thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 và nguồn cải cách tiền lương còn dư năm 2023 tại ngân sách cấp quận, huyện, thị xã để bổ sung kịp thời cho các cơ quan, đơn vị thực hiện chi trả theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng (nếu thiếu nguồn kinh phí).
Theo ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính Hà Nội sẽ hướng dẫn cụ thể về xác định nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Thành phố bổ sung kinh phí cho các đơn vị (nếu thiếu nguồn kinh phí) theo quy định.
Đề nghị trên căn cứ theo Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; trong đó: Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 01/7/2024.
Căn cứ Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Căn cứ Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
Hiện nay, Bộ Tài chính có văn bản số 6705/BTC-NSNN ngày 27/6/2024 gửi các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến tham gia về dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo các Nghị định của Chính phủ.
Trong khi chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính xác định nhu cầu, nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, Sở Tài chính Hà Nội đã có đề xuất để thực hiện chi trả cho cán bộ, công chức trên địa bàn.
Trước đó phiên họp ngày 29/6, Quốc hội thống nhất từ ngày 1/7, tăng lương cơ sở lên 30%, cụ thể tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 540.000 đồng). Khi lương cơ sở tăng lên, có 4 khoản, trợ cấp thay đổi.
Mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở, tức = 2.340.000 đồng.
Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con, tức = 4.680.000 đồng/lần/con.
Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở (= 23.400.000 đồng).
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở (= 1.170.000 đồng). Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (= 1.638.000 đồng).
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở (tức mức hưởng tối đa = 11.700.000 đồng).
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản (hoặc đối với người lao động dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau theo quy định) một ngày bằng 30% mức lương cơ sở, tức = 702.000 đồng/ngày.
Mức trợ cấp một lần cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đơn cử, nếu người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở (= 11.700.000 đồng); sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở (= 1.170.000 đồng). Ngoài ra, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 30% mức lương cơ sở (= 702.000 đồng/tháng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở (= 46.800 đồng)…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận