24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Mạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hà Nội: Hơn 10 nghìn lao động mất việc hàng tháng nếu dịch bệnh diễn biến theo kịch bản xấu

Kịch bản xấu nếu Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong những tháng tiếp theo của năm 2021 không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc ngày càng tăng. Số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, dự kiến khoảng 10-12 nghìn lao động, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 60-70%...

Báo cáo thị trường lao động Hà Nội tháng 5/2021 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ngay từ những ngày đầu tháng, tuy nhiên nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động được thành phố quan tâm thực hiện đồng bộ nên thị trường lao động Hà Nội trong tháng vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan hơn, tình trạng thất nghiệp cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động để vừa phòng chống dịch, vừa giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp thay vì cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm,... như những đợt dịch trước, thì hiện nay nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động, tận dụng cơ hội kinh doanh các sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần nhằm tạo thêm việc làm mới.

Nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghệ gia tăng

Theo báo cáo, nhu cầu nhân lực trong tháng 5 tiếp tục theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề tập trung ở các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, ngân hàng.

Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử.

Trong tháng 5, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao ở các mảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, viễn thông.

Với ngành Ngân hàng tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở vị trí nhân viên và chuyên viên.

Trong tháng 5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhằm cung ứng thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp cho người lao động.

Chiếm đa số trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát là nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm 93,64%, doanh nghiệp FDI, chiếm 5,18%. Đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khác, chiếm 54,84%, tiếp đến là nhóm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, chiếm 23,39%, gia công, lắp ráp hàng hóa chiếm 5,64%.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (dưới 200 lao động) với 94,43%, nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn (trên 200 lao động) chiếm 5,57% số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Một số vị trí được các doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu là nhân viên văn phòng, chiếm 44,88%, thợ các loại và lao động giản đơn lần lượt chiếm tỷ trọng lần lượt là 22,44% và 18,9%.

Mức lương các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho người lao động ở vị trí nhân viên văn phòng, thợ và lao động giản đơn chủ yếu ở mức 7 triệu đến 9 triệu đồng/tháng (chiếm 88,89%). Đối với vị trí quản lý/chuyên viên, mức lương doanh nghiệp sẵn sàng chi trả nhiều nhất ở mức 13 đến 15 triệu (chiếm 28,57%).

Trên 78,6 nghìn lao động được giải quyết việc làm

Báo cáo thị trường lao động Hà Nội tháng 5/2021 cho biết, ước tính 5 tháng đầu năm 2021, toàn thành phố giải quyết việc làm cho trên 78,6 nghìn lao động, đạt 49,1% kế hoạch giao trong năm, tăng 35,6% so với cùng kỳ 2020; trong đó, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền gần 1,2 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho hơn 26,2 nghìn lao động.

Trong tháng 5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm hàng ngày. Có 532 lượt đơn vị, cơ sở đào tạo tham gia với tổng 11.496 chỉ tiêu nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh. Có 3.574 lượt lao động được phỏng vấn kết nối việc làm và 1.000 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng.

Hà Nội: Hơn 10 nghìn lao động mất việc hàng tháng nếu dịch bệnh diễn biến theo kịch bản xấu
5 tháng đầu năm 2021, Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 78,6 nghìn lao động, đạt 49,1% kế hoạch giao trong năm

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu, đồng thời tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua zalo, facebook,...

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính về BHTN cho người lao động theo cả hai phương thức trực tiếp và gián tiếp. Trong tháng, Trung tâm tiếp nhận 7.678 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, tăng 1.846 hồ sơ so với tháng trước, tương ứng tăng 31,65%. Có 7.645 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền trợ cấp hơn 177 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 7.678 người, hỗ trợ học nghề cho 181 người với số tiền gần 620 triệu đồng.

3 kịch bản dự báo thị trường lao động thời gian tới

Tại Báo cáo thị trường lao động Hà Nội tháng 5/2021 cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo thị tường lao động trong thời gian tới.

Thứ nhất là kịch bản tốt, khi dịch bệnh được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát ca nhiễm mới trong cộng đồng. Một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh như vận tải, du lịch sẽ dần được phục hồi. Thị trường lao động cũng dần ấm lên, nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực, đặc biệt ở ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hạn chế được tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc.

Kịch bản 2 (kịch bản thường), nguy cơ rủi ro bùng phát dịch bệnh, xuất hiện các ca F0 mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhanh chóng khoanh vùng và cách ly kịp thời. Tốc độ phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng và sẽ phục hồi chậm hơn so với kịch bản 1. Dự báo số lao động tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch là các lao động thuộc các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, vận tải, du lịch.

Kịch bản 3 (kịch bản xấu), Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong những tháng tiếp theo của năm 2021 không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc ngày càng tăng. Đặc biệt xuất hiện các ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội bắt buộc phải thực hiện, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tạm dừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế. Các ngành kinh tế tiếp tục bị tác động mạnh, một số ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn như: Thương mại - dịch vụ, bán lẻ, vận tải, nhà hàng - khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Trong kịch bản trên, thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập,... đặc biệt là nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương như: Lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức,... Thất nghiệp gia tăng, số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, dự kiến khoảng 10-12 nghìn lao động. Dự kiến số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 60-70%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả