Hà Nội: Hàng chục dự án đất vàng treo và câu hỏi về lợi ích nhóm
Trái ngược với những nhận định quỹ đất nội đô khan hiếm, Hà Nội đang tồn tại nhiều dự án treo, chậm tiến độ hàng chục năm trời…
Sai mục đích, chậm tiến độ
Một trong những dự án sử dụng đất không đúng mục đích được giao là dự án tại số 28 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm.
Dự án có diện tích đất hơn 4.000 m2, được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao cho CTCP Xây dựng và phát triển đầu tư Thăng Long với mục đích xây nhà cao tầng, dịch vụ công cộng kết hợp nhà trẻ, văn phòng cho thuê… Tuy nhiên, hiện nay trên mặt bằng lô đất này lại xuất hiện đủ loại công trình nhà xưởng, gara ôtô, siêu thị để cho thuê, kinh doanh với quy mô bề thế, không đúng mục đích giao đất.
Cũng là đất dự án bị sử dụng sai mục đích, ô đất rộng hàng trăm mét vuông (cạnh khu nhà ký túc xá A5 Pháp Vân - Tứ Hiệp thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) vốn được cấp dành cho mục đích xây dựng nhà ở sinh viên, nhưng hiện là bãi xe, gara sửa chữa ôtô, cửa hàng, quán ăn…
Cách đó không xa, ngay mặt đường Trần Thủ Độ, là khu đất rộng hàng nghìn mét vuông được quy hoạch để xây dựng trường học, nhưng đang được sử dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, bãi xe…
Dự án Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm khiến nhiều người ngạc nhiên vì chủ đầu tư lại để bất động nhiều năm một khu đất vàng mà không ít người từng “thèm muốn”. Với quy mô lên tới 141 ha, trong đó diện tích đất thực hiện dự án khoảng 115 ha, bắt đầu nghiên cứu quy hoạch từ năm 2010, tới năm 2014 dự án này chính thức được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Ngày 24/12/2014, Công ty TNHH Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội được thành lập với vai trò chủ đầu tư dự án (đại diện pháp luật cho chủ sở hữu là Blenheim Vietnam). Tới ngày 23/11/2015, TP. Hà Nội chấp thuận quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án sau khi đã được quy hoạch lại. Tại quy hoạch mới, dự án có diện tích khoảng 57,5 ha với quy mô dân số khoảng 4.000 người.
Tuy nhiên, tính tới nay, tức sau gần 6 năm, trên dự án trên vẫn chỉ có những thửa ruộng cùng bãi cỏ hoang, còn bên ngoài bị nhiều hộ dân lấn chiếm sử dụng làm kho chứa vật liệu xây dựng. Thông tin tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Văn phòng Chính phủ trong tháng 9/2020 về rà soát dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng cho biết, Tập đoàn Blemheim đã đề nghị được điều chỉnh dự án do chưa giải phóng xong mặt bằng.
Một dự án sở hữu "vị trí vàng" khác là Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, vốn được nhận quyết định phê duyệt từ ngày 1/4/2002 và giao cho CTCP Tu tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 390 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 1.073,4 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi dự án hoàn thành, trên dải đất này sẽ xuất hiện 7 tòa nhà chung cư cao từ 11-24 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 29.000 m2 cùng các công trình công cộng, văn phòng làm việc của các cơ quan và các dịch vụ dân sinh, quỹ nhà phục vụ di dân... Tuy nhiên, đã hơn 18 năm trôi qua, dự án vẫn trong tình trạng “đang triển khai”.
Câu hỏi về lợi ích nhóm
Dù không được triển khai hoặc có dấu hiệu sử dụng sai mục đích, nhưng đáng nói là những dự án kể trên hầu như chưa nằm trong danh sách thanh tra hoặc đề xuất thu hồi nào và nó cho thấy phần chính trong tổng danh mục hơn 300 dự án chậm tiến độ nằm rải rác khắp Thủ đô mà chính quyền chưa có cách nào xử lý dù đã thống kê.
Theo quy định tại Luật Đầu tư và Luật Đất Đai, việc triển khai dự án được phép kéo dài trong 4 năm. Sau thời gian này, nếu vẫn chậm tiến độ thì chủ đầu tư sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần giá trị đã đầu tư trên đất. Tuy nhiên, trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, nguyên nhân là bởi trước khi thu hồi, địa phương phải bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, trong khi hiện tại vẫn chưa có cơ chế đền bù, nếu có đền bù thì ngân sách quá eo hẹp.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, công tác xem xét xử lý thu hồi, chấm dứt hoạt động các dự án chậm tiến độ còn gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo đúng trình tự, quy định pháp luật. Việc đánh giá, xác định nguyên nhân cũng gặp nhiều thách thức khi hầu hết các dự án chậm triển khai là do thay đổi quy hoạch, thay đổi chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng.
Ở một góc độ khác, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hoặc đề xuất thu hồi dự án khó thực hiện còn do nhiều đối tượng không hợp tác khi đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ như không có mặt tại buổi công bố quyết định thanh tra, chậm thực hiện các nội dung báo cáo hoặc báo cáo không theo các nội dung yêu cầu, chậm cung cấp tài liệu liên quan đến diện tích đất bị thanh tra... Ngoài ra, đối tượng thanh tra còn không cử người đại diện theo quy định của pháp luật, cử người đại diện không ủy quyền làm việc với đoàn thanh tra, ký các biên bản làm việc, biên bản thanh tra, biên bản kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính…, dẫn tới kết luận thanh tra, kiểm tra thiếu cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại chỉ ra những nguyên nhân khác dẫn đến khó thực hiện thanh - kiểm tra, khó tiến hành xử lý thu hồi như tồn tại “lợi ích nhóm”, quan điểm giữa nhà kinh doanh và nhà quản lý chưa thống nhất, thiếu ngân sách thực hiện…
Đồng quan điểm, TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án…, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
“Những con số về diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích… được công bố thời gian qua rõ ràng là nguồn quỹ đất lớn cho Hà Nội phát triển. Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết”, ông Nghiêm nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận