Hà Nội dừng triển khai 82 dự án BT, chuyển sang đầu tư công với dự án cấp bách
Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội đã ra thông báo gửi tới hàng chục chủ đầu tư của 82 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) yêu cầu dừng triển khai, trong đó có dự án đang chờ ký hợp đồng, có dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư…
Dự án 'đại lộ' ngàn tỉ Chu Văn An (Hà Nội) do chủ đầu tư là Tập đoàn Bitexco xây dựng theo hình thức BT dở dang nhiều năm gây bức xúc cho người dân mỗi khi qua lại đoạn đường này. Trong khi đó, đất đối ứng đã được chủ đầu tư xây dựng, bán hàng trăm nhà biệt thự, liền kề. Ảnh chụp tháng 4-2021 - Ảnh: QUANG THẾ
Chiều 9-6, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết, lý do Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội thông báo dừng triển khai thực hiện dự án PPP hợp đồng BT là theo quy định của Luật Đầu tư, phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT, dừng triển khai mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Ngoài ra Sở này cũng cho biết, đầu năm 2021 ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội đã báo cáo ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án trên địa bàn thành phố sang hình thức đầu tư công.
Theo đó UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch - đầu tư rà soát, thông báo cho nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư, rà soát từng trường hợp cụ thể, chuyển sang hình thức đầu tư công với những dự án cần thiết, cấp bách.
"Trước đó năm 2020 UBND TP Hà Nội đã họp rà soát các dự án đầu tư theo hình thức PPP và chỉ đạo đối với các dự án chưa giao nhà đầu tư thì thông báo dừng công tác chuẩn bị đầu tư..." - Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết.
Theo danh sách, có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi là dự án cải tạo nâng cấp đường 70 (đoạn Hà Đông - Văn Điển chiều dài 7,5km, theo hình thức BT), đơn vị thực hiện là liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú - Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú CIC - Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú 1 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ - Công ty TNHH An Quý Hưng;
Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, dài 23,1km Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT của liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng Công ty phát triển hạ tầng đô thị - Công ty Cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty Cổ phần Đại An thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Louis Group để thực hiện.
11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư của các nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần phát triển đô thị Việt Hưng, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Việt…
69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư của các nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội (Hateco), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành phố Cityland, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty Cổ phần Bitexco;
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời Sungroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO, Công ty Cổ phần phát triển đô thị Việt Hưng…
Trước đó, năm 2017 Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận thanh tra tại một số sự án BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP Hà Nội. Theo Thanh tra Chính phủ thời điểm thanh tra có 15 dự đầu tư theo hình thức BT thì chỉ duy nhất 1 dự án lựa chọn nhà thầu qua sơ tuyển, 14 dự án còn lại được chỉ định nhà thầu.
Thanh tra Chính phủ xác định UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng quy định về phê duyệt, công bố danh mục đầu tư theo hình thức BT, BOT giai đoạn năm 2008 đến 2012 làm giảm hiệu quả đầu tư;
UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá năng lực đối với một số chủ đầu tư thiếu chính xác, thiếu chặt chẽ, lựa chọn một số nhà thầu không đảm bảo năng lực; tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án thẩm định, phê duyệt chưa chính xác làm tăng vốn đầu tư ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận