menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bình Minh

Hà Nội điểm danh hàng loạt dự án bỏ hoang gây thất thoát

Cầu Giấy là một trong những quận của Hà Nội có một số dự án, nhà TĐC chậm tiến độ hoặc xây dựng xong nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì nhiều lý do.

Chẳng hạn, dự án nhà tái định cư (TĐC) N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), được khởi công xây dựng từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013 với 2 tầng hầm để xe và 15 tầng nổi, trong đó có 1 tầng thương mại và 14 tầng căn hộ được chia làm 4 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên bao gồm 50 căn hộ; 2 thang máy cao tốc và 1 thang thoát hiểm... với tổng vốn đầu tư lên đến 223,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau 11 năm nhưng tòa nhà này vẫn đang trong tình trạng "đắp chiếu" chưa thể hoàn thiện.

Hà Nội điểm danh hàng loạt dự án bỏ hoang gây thất thoát
Dự án nhà TĐC N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) thi công 10 năm nhưng chưa hoàn thiện gây lãng phí và bức xúc dư luận.

Theo ông Bùi Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết: “UBND phường đã nhiều lần làm đề xuất kiến nghị UBND quận Cầu Giấy, UBND Thành phố Hà Nội có phương án hoàn thiện để đảm bảo người dân đến sinh sống được an toàn. Nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa được hoàn thiện”, ông Thành đặt vấn đề.

Đem câu hỏi vì sao đã hơn 10 năm mà dự án này vẫn chưa thể bàn giao cho người dân, ông Trần Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho VnBusiness biết, dự án nhà TĐC N01-D17 Duy Tân do UBND Thành phố là chủ đầu tư, giao cho UBND quận là đơn vị triển khai thực hiện. Hiện dự án còn thiếu hơn 50 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện và bàn giao nhà cho người dân về ở.

"UBND quận đã nhiều lần kiến nghị cả trực tiếp, cả bằng văn bản với các sở Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cũng như UBND Thành phố tiếp tục bàn giao nốt phần vốn còn thiếu để hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, đến nay quận Cầu Giấy vẫn chưa nhận được nguồn vốn rót về”, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ riêng quận Cầu Giấy, thực tế nhiều quận khác thuộc TP. Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự, có thể kể tên một vài dự án nổi cộm trong thời gian qua đã được báo chí nhắc nhiều như: Khu tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa); thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm); Nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng); 3 tòa nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên)…

Đáng nói, không chỉ có các dự án nhà TĐC, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án thương mại quy hoạch cả thập kỷ nhưng chậm triển khai, "ôm" đất bỏ hoang vô cùng lãng phí. Trong đó, huyện Mê Linh là nơi có số dự án chậm triển khai nhiều nhất với 47 dự án bất động sản quy mô tới 10 - 100 ha/dự án, tổng diện tích khu dự án là gần 2.000 ha nhưng hơn chục năm nay vẫn trong tình trạng dở dang, gây lãng phí lớn tài nguyên.

Trong số 47 dự án nói trên có 4 dự án “ôm đất xí phần” chậm triển khai hơn 10 năm, bị UBND TP Hà Nội yêu cầu thanh, kiểm tra, bao gồm: Dự án khu đô thị tại xã Tiền Phong rộng 94ha; Dự án Khu nhà ở Thanh Lâm của Công ty Thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên (xã Đại Thịnh, Thanh Lâm); Dự án Khu đô thị Việt Á của Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á (xã Thanh Lâm) và dự án Khu đô thị Cienco 5 của Công ty CP Xây dựng công trình 507 (xã Đại Thịnh).

Ngoài ra, một loạt dự án chậm triển khai khác như: Dự án khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) của Tổng Công ty phát triển nhà và đô thị (HUD) chậm triển khai 16 năm; dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Cty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm CĐT, kéo dài suốt 16 năm; Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà SUDICO rộng 10,6 ha chậm tiến độ 11 năm...

Qua rà soát của các cơ quan chức năng, Hà Nội hiện có khoảng 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Theo Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, trường hợp trên đất bỏ hoang đã có tài sản được hình thành hợp pháp, Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng không thể tịch thu tài sản đầu tư trên đất vì như vậy sẽ trái với pháp luật và không đúng với Hiến pháp. Cơ quan quản lý có thể xử phạt nặng với chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không nộp bồi thường vào ngân sách có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại