Hà Nội đấu giá đất chậm, không đạt kế hoạch
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho biết, các Cty tư vấn thẩm định giá đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.
Sáng 6/7, phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, có nhiều khó khăn khách quan, chủ quan khiến kết quả đấu giá đất còn chậm.
Theo ông Đông, đầu tiên là do dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến hết quý I, sang đầu quý II/2022. Thứ hai, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng.
"Có đại biểu nêu, tại sao tại các huyện xa trung tâm kết quả đạt tốt hơn. Nguyên nhân là do tại khu vực đó giá sàn thấp, chỉ tiêu thành phố giao không nhiều nên tỷ lệ cao", ông Đông nêu.
Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội nêu, trong thời gian tới, các đơn vị có mức giá sàn cao hơn cũng phải đẩy mạnh quy trình đấu giá đất, nhất là 87 ha đất sạch đã đủ các điều kiện cần thiết. Khi đấu giá xong 87 ha này, chắc chắn tỷ lệ về số lượng, nguồn thu cho ngân sách sẽ tăng lên, hoàn thành chỉ tiêu trong 6 tháng cuối năm.
Về ý kiến băn khoăn thành phố uỷ quyền cho các quận, huyện xác định mức giá sàn đấu giá đất, ông Đông cho rằng, không nên e ngại, bởi việc này mang lại hiệu quả tốt, thực hiện việc phân cấp, thực hiện nhanh hơn, đỡ phải thuê tư vấn, các địa phương chủ động hơn trong công việc.
"Cái chính là quản lý chặt chẽ việc tổ chức đấu thầu, đấu giá. Quản lý chặt từ việc bán hồ sơ phải công khai, không hạn chế. Thứ nữa là quy trình tổ chức đấu giá phải chặt chẽ, đúng quy trình thủ tục, đúng số lượng người tham gia đấu giá. Càng nhiều người tham gia càng tốt, không hạn chế số lượng thì chắc chắn giá trúng là quyết định của thị trường", ông Đông nói.
Theo ông Đông, không nên e ngại việc xác định giá sàn, bởi giá sàn không quyết định được mức giá trúng. Thời gian tới, thành phố sẽ quản lý chặt việc đấu giá, tiến tới khuyến khích việc tổ chức đấu giá trực tuyến để tăng tính công khai, minh bạch.
Theo báo cáo, đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87 ha (là diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng), số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955,95 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT đã tiếp nhận 11 hồ sơ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó 3 hồ sơ đã trình hội đồng thẩm định; 1 hồ sơ đã trình hội đồng thẩm định, đang thực hiện rà soát căn cứ pháp lý theo chỉ đạo của UBND thành phố; 2 hồ sơ đơn vị tư vấn đã phát hành chứng thư, Sở TN&MT đang yêu cầu rà soát nội dung theo quy định và 5 hồ sơ đã ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn xác định giá “Nhìn chung tiến độ thực hiện chậm so với cùng kỳ năm 2021”, báo cáo nêu. Báo cáo cũng cho biết, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn thành phố có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích khoảng 87,6ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (hoặc là đất không phải giải phóng mặt bằng), đã được UBND thành phố quyết định giao đất, đang thực hiện thiết lập hồ sơ, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.Về khó khăn, vướng mắc, báo cáo của thành phố nêu, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất chưa thực sự nhận được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất. Cùng với đó, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải thực hiện bổ sung thủ tục hành chính theo quy định dẫn đến nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất phải thực hiện thiết lập lại hồ sơ về quy hoạch, thủ tục đầu tư theo quy định. UBND thành phố Hà Nội cho biết, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong thực hiện như chưa quy định rõ việc thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất thuộc trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc ứng vốn giải phóng mặt bằng thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Đất đai không đồng nhất…Đáng chú ý, trên địa bàn, các Cty tư vấn thẩm định giá đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật. Cùng với đó, phương pháp xác định giá cụ thể (giá khởi điểm đấu giá) phải thu thập nhiều thông tin tài sản so sánh, tuy nhiên, thị trường giao dịch bất động sản chưa minh bạch, giao dịch bất động sản không quy định phải qua ngân hàng và chưa có quy định cụ thể về quản lý giá chuyển nhượng bất động sản, nên giá giao dịch thực chưa thể hiện đầy đủ tại các hợp đồng mua bán. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận