Hà Nội đang xác định nguồn lây của các ca mắc Covid-19 mới phát hiện tại Quốc Oai
Cơ quan chức năng huyện Quốc Oai (Hà Nội) đang rà soát, điều tra lịch trình tiếp xúc của 7 bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng chưa xác định rõ nguồn lây.
Huyện Quốc Oai đã ra quyết định phong tỏa đối với khu vực bệnh nhân lưu trú, tổ chức xét nghiệm sàng lọc khu vực có ca bệnh với gần 1.000 người. Dự kiến tối nay có kết quả.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết huyện đã ghi nhận tổng cộng 7 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, trong đó có 3 bệnh nhân cùng gia đình.
Theo báo cáo dịch tễ của huyện Quốc Oai, gia đình 3 bệnh nhân (gồm mẹ, con trai và người giúp việc) mắc Covid-19 gần đây không ra khỏi huyện, 2 người lớn tuổi thường xuyên ở trong nhà. Chỉ có người con trai tên Ư. thường xuyên đi chợ, mua đồ cho gia đình.
Ngày 13/7, mẹ ông Ư. bị cảm, nôn, sốt, ông Ư. mua thuốc tại quầy thuốc Đức Trung, phố Đồng Hương, huyện Quốc Oai, tiếp xúc với nhân viên bán thuốc. Chiều 20/7, ông và một số người trong gia đình đưa mẹ ông Ư. đến Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai để khám.
Qua xét nghiệm nhanh, mẹ ông Ư. nhiễm SARS-CoV-2 và được xét nghiệm khẳng định sau đó. Ông Ư., người giúp việc và một số thành viên gia đình được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, ông Ư. và người giúp việc dương tính.
Ngay trong đêm 20/7, khi ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, huyện đã cử lực lượng phun khử khuẩn, rà soát lịch trình tiếp xúc của bệnh nhân.
Huyện xác định 15 F1 và 50 F2 của 3 ca bệnh này, đã lấy mẫu đưa cách ly tập trung. Huyện đang khẩn trương điều tra dịch tễ của 3 bệnh nhân này.
Còn trong sáng 21/7, CDC Hà Nội thông báo huyện Quốc Oai có thêm 4 trường hợp nhiễm Covid khác thông qua khám sàng lọc. Trong đó, 3 người ở Du Nghê, 1 người ở Đình Tổ, thị trấn Quốc Oai.
Lãnh đạo huyện cũng cho hay, hiện chưa xác định nguồn lây của 4 ca mắc mới. Huyện đã ra quyết định phong tỏa đối với khu vực bệnh nhân lưu trú, tổ chức xét nghiệm sàng lọc khu vực có ca bệnh với gần 1.000 người. Dự kiến tối nay có kết quả.
Ngoài ổ dịch mới phát sinh tại Quốc Oai, tại ổ dịch nhà thuốc Đức Tâm, Láng Hạ cũng phát hiện thêm 3 ca mắc mới, quận Hai Bà Trưng (4), Hoàng Mai (2); Mỹ Đức (1); Đông Anh (1); Bắc Từ Liêm (1); Hoài Đức (1).
Tính từ 18 giờ ngày 20/7 đến 7 giờ ngày 21/7, Hà Nội ghi nhận 40 trường hợp mắc mới Covid-19. Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 548 ca.
Về công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, TP đã phê duyệt phương án đáp ứng 1.000 giường bệnh cách ly điều trị cho người bệnh Covid-19.
TP cũng đang xây dựng phương án đáp ứng 5.000 giường bệnh và cao hơn nữa; thành lập 20 cơ sở cách ly tập trung F1 tại 19 quận, huyện, thị xã; giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thành lập thêm cơ sở cách ly để nâng công suất lên 40.000 chỗ..
Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, TP đã tiêm được 211.028 mũi cho 201.524 người (chiếm 2,4% dân số), chủ yếu là lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân và các đối tượng ưu tiên.
Theo nhận định, tình hình dịch tại Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ vẫn đang ở mức rất cao và khó lường.
Theo Chủ tịch UBND TP. Chu Ngọc Anh, để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho nhân dân Thủ đô trong năm 2021, TP đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản nhằm triển khai sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi được phân bổ.
Hà Nội có đủ năng lực thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong thời gian ngắn và sẽ đẩy mạnh công tác chuẩn bị để sớm nâng cao hơn nữa trong những ngày tới.
Trước mắt, mục tiêu của thành phố phải xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày.
Theo quy định của Bộ Y tế để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, TP cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm.
Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, Hà Nội cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm. Hiện tại, thành phố sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; nên cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu ngành Y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. 1.200 dây chuyền phải thật đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Xây dựng kịch bản tổ chức tiêm một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng.
Phương án chuẩn bị của TP tối đa là 200.000 mũi tiêm/ngày, quá trình thực hiện ngành Y tế phải phấn đấu đạt mức cao về số lượng, nhưng không chạy theo số lượng mà phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội có nhiệm vụ chủ trì phối hợp rà soát ngay điều kiện tiếp nhận, bảo quản vắc xin phòng Covid-19 với số lượng lớn (từ 1 triệu liều trở lên).
Hiện tại, khả năng tiếp nhận tối đa của thành phố trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vắc xin theo quy cách đóng gói của vắc xin Astra Zeneca.
Do đó Sở phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vắc xin khác nhau; bao gồm cả những vắc xin đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer (bảo quản nhiệt độ -740C); lên phương án vận chuyển, phân phối vắc xin cho các điểm tiêm bảo đảm an toàn, chất lượng, kịp thời.
Người đứng đầu UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, TP sẽ huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Sở Y tế cần có kịch bản điều phối bảo đảm sự cơ động, phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực sẵn sàng đáp ứng trong bất kỳ tình huống sự cố tiêm chủng nào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận