Hà Nội: Công viên nước Thanh Hà bị “phá hủy” hay “tháo dỡ”?
Doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng công viên nước được cho là hiện đại bậc nhất Thủ đô, tuy nhiên mới chỉ hoạt động hơn nửa năm nơi đây đã “biến thành” một đống "đổ nát”...
Công viên nước Thanh Hà - chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Công ty Cienco5 ) có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, được xác định xây dựng nhằm mục đích phục vụ công cộng; làm khu vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm.
Chính quyền có “vội vàng” cưỡng chế?
Trước sự việc trên, các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã kiểm tra và xác định công viên nước Thanh Hà là hạng mục xây dựng phải có giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu chưa thực hiện việc xin phép xây dựng. Do đó, UBND quận Hà Đông yêu cầu chủ đầu tư dừng khai thác, sử dụng để chờ xử lý.
Ngày 27-11-2019, UBND quận Hà Đông có quyết định 4725/QĐ-UBND, yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng của công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Đến ngày 15,16-1-2020, Phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) triển khai kế hoạch tháo dỡ toàn bộ các công trình, theo Quyết định số 5079 ngày 24-12-2019 của UBND quận Hà Đông về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Cienco 5 về hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại lô A2.2 CCĐT01, Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 trên địa bàn.
Được biết, trước sự việc trên Công ty Cienco5 đã khiếu nại hành vi hành chính của UBND quận và cho rằng, việc thực hiện không đúng quyết định buộc khắc phục hậu quả và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dẫn đến Công ty bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do các thiết bị kỹ thuật của công viên, tài sản của công ty đã bị hủy hoại và không còn khả năng tái sử dụng.
“Phá hủy” tài sản có đúng quy định pháp luật?
Phân tích vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, nếu các tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì cơ quan chức năng phải yêu cầu phía doanh nghiệp tự di chuyển tài sản đó ra khỏi khu vực bị cưỡng chế mà không được phép “phá hủy” bởi:
Tại khoản 5 Điều 15 và điểm d khoản 10 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở...; Khoản 5 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định như sau:
“Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.
Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.
Quá thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy”.
Liên quan tới trách nhiệm của UBND quận Hà Đông trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, luật sư Hiệp phân tích:
Tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản thì Thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương (cấp xã phường, cấp quận huyện, Thành phố) có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hiện và kịp thời xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng. Trong trường hợp cá nhân, cơ quan được giao nhiệm vụ mà buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra những công trình sai phạm nghiêm trọng thì cá nhân, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vậy, UBND quận Hà Đông có buông lỏng quản lý? Trước sự việc trên trách nhiệm thuộc về ai?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận