Hà Nội công bố thêm ca nhiễm COVID-19 tiểu thương méo mặt
Kể từ khi công bố những ca dương tính với COVID-19 ở Hà Nội, nhiều chợ dân sinh trở nên vắng vẻ hơn. Các tiểu thương đối mặt nhiều khó khăn khi thu nhập bị sụt giảm nghiêm trọng.
Tối 6/3, Bộ Y tế công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội. Thông tin này ngay lập tức tác động tới tâm lý một bộ phận người dân. Nhiều người đã đổ ra các chợ dân sinh, siêu thị để mua đồ tích trữ trong ngày 7/3.
Tuy nhiên, chỉ sau một ngày “tranh mua, tranh bán”, tình hình mua bán ở các chợ dân sinh tại Hà Nội những ngày gần đây đã trở vắng vẻ hơn do tâm lý người dân đã ổn định trở lại. Bên cạnh đó, nhiều người cũng ngại đi ra đường, ngại tập trung mua bán ở chỗ đông người để phòng tránh bệnh tật.
Một chủ ki ốt bán rau tại chợ Phùng Khoang cho biết những ngày gần đây người đi chợ vắng hẳn. Dù đã cắt giảm lượng rau nhập về nhưng nhiều hôm sạp hàng của chị vẫn còn tồn một lượng hàng lớn. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới kinh tế của gia đình.
Chị cho biết, dù nguồn thu nhập có sụt giảm trong những ngày qua nhưng vẫn cố gắng cầm cự bởi ki ốt rau này là nguồn thu chính của cả gia đình.
Trong khi đó, một chủ ki ốt bán hàng khô tại chợ cũng thừa nhận kể từ sau phiên chợ ngày 7/3 vừa qua, nhu cầu mua sắm của người dân những ngày gần đây giảm rất nhiều. Số người ghé cửa hàng mua đồ có ngày giảm tới 50-70%. Do đó, thu nhập của quầy hàng cũng đã sụt giảm nhiều.
Chủ ki ốt này chia sẻ, do lượng khách tới chợ mua sắm giảm, nên nhiều chủ sạp bán đồ tươi sống như thịt, cá, tôm, hải sản… thậm chí đã tạm nghỉ bán nhiều ngày nay. Giờ mỗi ngày mở cửa hàng mà có khách đến hỏi mua đồ là vui rồi.
Vắng khách, giảm thu nhập cũng là tình trạng chung của nhiều tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ Thanh Xuân Bắc. Chị Vân (một người thường xuyên đi qua chợ này để mua thức ăn cho gia đình) thừa nhận số người đi chợ và ki ốt mở bán hàng đã giảm hẳn kể từ khi Hà Nội công bố những ca dương tính với Covid-19. Nhiều chủ sạp ở chợ này cũng đã tạm thời đóng cửa ki ốt, nghỉ bán để đề phòng lây nhiễm bệnh.
Ghé vào chợ mua gạo, chị Hương cho biết kể từ khi Hà Nội có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, gia đình cũng ít đến chợ hẳn. Giờ mỗi lần đi chợ, chị cũng mua tranh thủ tại những cửa hàng quen chứ không đi nhiều vòng chợ để khảo sát giá như trước đây.
Bên cạnh đó, để tránh phải tiếp xúc nơi đông người như tại các chợ dân sinh, chị cũng thường xuyên mua đồ ăn cho gia đình trong 3-4 ngày. Chị cũng cho biết nhiều người đã bắt đầu chuyển sang mua bán online. Được phục vụ tại nhà rất tiện nên số lượng người ra chợ mua hàng như trước đây cũng giảm đi đáng kể.
Hiện không khí mua bán của các tiểu thương tại chợ Mai Lĩnh cũng trở nên ảm đạm hơn rất nhiều. Do nhu cầu mua bán của người dân trong khu vực sụt giảm nên một vài sạp hàng tại chợ cũng đã tạm thời nghỉ bán trong những ngày gần đây. Một chủ hàng bán thịt lợn ở đây cho biết dù đã chủ động nhập lượng hàng chỉ bằng 2/3 so với bình thường nhưng bán rất chậm.
Chủ hàng này thừa nhận thịt lợn vẫn khó bán bởi do giá vẫn giữ ở mức cao từ 140.000đ-170.000đ/kg, một phần do người dân giờ hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Bên cạnh đó, nhiều gia đình cũng đã chuyển sang sử dụng những thực phẩm khác như gà, vịt, cá,… nhiều hơn.
Do hàng bán chậm, thậm chí có ngày không bán hết lượng hàng nhập về nên thu nhập của gia đình cũng đã giảm đáng kể.
Các tiểu thương tại chợ đều hy vọng Hà Nội cũng như cả nước có thể sớm khống chế dịch Covid-19 để các sinh hoạt của người dân trở lại bình thường như trước đây. Như thế, việc buôn bán của các tiểu thương mới sớm trở lại bình thường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận