menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Long

Hà Nội cho ý kiến về xây dựng sân bay thứ 2

Sáng 26/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khai mạc Hội nghị lần thứ 12 để xem xét, thảo luận 5 nội dung quan trọng. Trong đó, các đại biểu sẽ góp ý về một số định hướng lớn như xây dựng sân bay thứ hai; thành phố phía Bắc, phía Tây thuộc Thủ đô.

Theo chương trình, tại hội nghị, các đại biểu sẽ góp ý: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII; Điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.

Nghiên cứu, cho ý kiến nhiều định hướng lớn

Hà Nội cho ý kiến về xây dựng sân bay thứ 2
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: PV).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng gợi ý một số nội dung về định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065).

Trên cơ sở báo cáo của Ban cán sự đảng UBND thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu thảo luận, nghiên cứu về điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 theo như đề nghị của Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng.

Cùng với đó, nghiên cứu định hướng dự báo dân số; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía Bắc, phía Tây của Thủ đô; nghiên cứu định hướng các trục không gian của thành phố; định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4.

Các đại biểu cũng góp ý, nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía nam thành phố Hà Nội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật… làm cơ sở để Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu trong quá trình nghiên cứu, lập, thẩm định và phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo ông Dũng, các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia đóng góp về sự phù hợp, đồng bộ của Dự thảo Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô với các Chiến lược, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Bên cạnh đó, cho ý kiến về sự đồng bộ với việc nghiên cứu định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về nội dung cụ thể của dự thảo Đề cương định hướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu thảo luận về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội, đề nghị tập trung cho ý kiến về các tiềm năng, lợi thế phát triển của Thủ đô, đặc biệt là phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô.

Về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn có cần lưu ý, cần tập trung đánh giá thêm nội dung gì để làm cơ sở tìm ra nguyên nhân gốc rễ và xác định các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

“Đây là các nội dung hết sức quan trọng, định hình Thủ đô của chúng ta trong 30 năm tới, vì vậy, đề nghị các đồng chí dành nhiều thời gian nghiên cứu và tham gia ý kiến chất lượng để Ban cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu, hoàn thiện”, ông Dũng nói.

Tăng tính chủ động, tự chủ cho thành phố

Về báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), để các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô trong dài hạn, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu đưa ra những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết; góp ý trực tiếp vào các cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi; tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong thời gian tới.

Ông Dũng nêu, cần bàn kỹ, bàn sâu và thể hiện rõ quan điểm đối với 12 vấn đề Ban cán sự đảng UBND thành phố trình xin ý kiến; đồng thời, tiếp tục tham gia, đóng góp các ý kiến cụ thể về những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho thành phố trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế trong phát triển Thủ đô trong thời gian qua.

Theo ông Dũng, việc cần góp ý nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách tài chính - ngân sách, đất đai, đầu tư, cơ chế xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô; cơ chế thu hút nguồn lực xã hội; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; việc quy hoạch, thu phí, cho thuê lòng đường, vỉa hè;...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại