Hà Nội cần phấn đấu vượt qua mức thu nhập trung bình cao sớm hơn
Chiều 7/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tham dự có các thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và các đồng chí Thành ủy viên. Đây là Hội nghị lấy ý kiến lần thứ 10 của TP. Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, đến nay tất cả 100% các chi bộ, tổ chức đảng trực thuộc đều tổ chức thành công Đại hội; 41/50 đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ tương đương đã tổ chức xong. Hà Nội phấn đấu đến 18/8 sẽ tổ chức xong để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Đến ngày 19/9, Thành ủy Hà Nội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.
Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, đến nay đã qua 4 phiên bản và mỗi phiên bản lại có nhiều lần dự thảo. Đặc biệt, Thành ủy đã tổ chức 9 hội nghị lấy ý kiến và lần này là hội nghị thứ 10 để góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị.
Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đảng bộ TP. Hà Nội xây dựng văn kiện rất công phu, trách nhiệm, làm đi làm lại, lắng nghe nhiều thành phần.
Nêu một vài suy nghĩ với Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung. Trước hết Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, một trong những đô thị trung tâm lớn nhất cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế. Hà Nội là trái tim thân yêu của cả nước trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Vì vậy, Hà Nội luôn là hình mẫu đối với tất cả các địa phương trên cả nước về mọi mặt, kể cả công tác xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 17. Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội thành công, mẫu mực về công tác văn kiện cũng như nhân sự chính là đóng góp quan trọng cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Đánh giá dự thảo báo cáo bài bản, đúc kết thực tiễn, phản ánh hơi thở cuộc sống, không xa rời thực tế, thể hiện rõ ràng nhất quan điểm, yêu cầu, định hướng phát triển của đất nước, Thủ tướng cho rằng, dự thảo khác với các địa phương khác ở 2 điểm chính. Một là đã đưa ra định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ nhiệm kỳ 2020-2025 mà còn đến 2030, tầm nhìn năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Thứ hai, báo cáo không chỉ đề cập đến sự phát triển của riêng Thủ đô mà còn đến sự hợp tác phát triển với các địa phương khác trong vùng Thủ đô và cả nước.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng góp ý, báo cáo phải viết đậm nét hơn về công tác xây dựng Đảng, một nhiệm vụ then chốt của Đảng, một nội dung quan trọng của Đại hội, của các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương.
Về chủ đề của Đại hội, Thủ tướng cho rằng, nên bổ sung một số điểm nhấn với 3 nội hàm cần nêu: Ý chí, quyết tâm; đổi mới sáng tạo và hội nhập, phát triển bền vững. Trong đó, cần nêu bật nội hàm về tính gương mẫu vì Thủ đô là trái tim của cả nước.
Đối với phương châm của Đại hội, Thủ tướng nhất trí với “10 chữ” của Thành ủy Hà Nội là “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương là yếu tố then chốt để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh. Sáng tạo tạo động lực cho phát triển Thành phố trong thời gian tới.
Về đánh giá tình hình thời gian qua, cơ bản nhất trí với đánh giá 14 nội dung thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm: Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm cao hơn cả nước, đạt 7,39%, cơ cấu kinh tế hiện đại, nông nghiệp chỉ còn 2%, chất lượng tăng trưởng cao hơn cả nước. Hà Nội đóng góp trên 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách. Hà Nội giờ đây là trung tâm kinh tế lớn, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Bộ mặt Thủ đô thay đổi nhanh và phát triển toàn diện, khang trang, văn minh hơn, hiện đại hơn, thành phố xanh hơn, sạch hơn, hạ tầng kỹ thuật xã hội được cải thiện nhiều với những công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại. Tỉ lệ hộ nghèo gần như bằng không.
Hà Nội sớm thiết lập trạng thái bình thường mới, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa hồi phục, duy trì phát triển kinh tế. Cho nên tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao hơn mức bình quân cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bên cạnh đó, Thành phố đã mạnh dạn, thẳng thắn, nghiêm túc nêu những hạn chế, yếu kém, bất cập như tốc độ tăng trưởng là khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là vị trí địa chính trị, địa kinh tế của Thành phố, trái tim của cả nước.
Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như công trình giao thông, xử lý rác thải, nước thải còn chậm. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch có nơi còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Văn hóa ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng còn một số lệch lạc, chưa có sự thay đổi rõ nét, hành vi bạo lực, thiếu văn minh, văn hóa, hiện tượng vô cảm vẫn còn tồn tại tại Thủ đô.
Đánh giá cao 5 bài học kinh nghiệm mà Hà Nội đã đúc kết, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đảm nhận những việc mới, việc khó, quyết liệt chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Đặc biệt là bài học chân thành lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân.
Về mục tiêu phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Thủ tướng đề nghị Hà Nội xem xét, tính toán lại mục tiêu GDP bình quân đầu người đến năm 2025 phải đặt mục tiêu cao hơn mức 8.100-8.300 USD. Hà Nội cần phấn đấu vượt qua mức thu nhập trung bình cao sớm hơn.
“Tôi rất vui mừng các đồng chí xác định đến năm 2030 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến 2045 có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, trở thành thành phố toàn cầu, GRDP đầu người đạt trên 36.000 USD”, Thủ tướng bày tỏ. Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền cho Hà Nội sẽ giúp cho Thủ đô thu hút mọi nguồn lực để trở thành thành phố “rồng bay”. Thủ đô Hà Nội phải là tiền đồn về phát triển lực lượng sản xuất, xác lập quan hệ sản xuất theo đường lối của Đảng. Hà Nội cần tham khảo và vận dụng 17 mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 tương ứng với 169 chỉ tiêu của Liên Hợp Quốc.
Về nhiệm vụ trọng tâm đột phá, Thủ tướng nhất trí về sự cần thiết của các nội hàm về tận dụng cơ hội từ hội nhập, thành tựu của cách mạng 4.0, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa xã hội, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác Đảng.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 2020-2025, Thủ tướng lưu ý một số nội dung: Nhấn mạnh vấn đề cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy mạnh mẽ việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô và cả nước. “Đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vấn đề không phải là thiếu tiền, thiếu nguồn lực mà chính là thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, quản lý tốt đất đai, tạo quỹ đất sạch, đấu giá đất hiệu quả thì hoàn toàn có đủ nguồn để làm công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu của Thủ đô và cả nước.
Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bên cạnh đó, với một câu hỏi lớn là Hà Nội sẽ làm gì để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội có thể xem xét đề nghị với Trung ương, với Chính phủ làm thí điểm, đi tiên phong cả nước về nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự ngưng tụ nhân tài, trí thức Việt Nam tại Hà Nội rất lớn.
Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, phát triển Thủ đô theo mô hình chùm đô thị hoàn chỉnh, phát triển đô thị trung tâm, khu vực đô thị Sông Hồng, khu vực phía Bắc và lựa chọn xây dựng một số khu đô thị vệ tinh đồng bộ, hiện đại, tiết kiệm đất, giữ được bản sắc kiến trúc Hà Nội, kiến trúc dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh, tiêu biểu, gương mẫu rất quan trọng, cùng với việc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện để khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển. Đây chính là sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm và động lực tinh thần to lớn cho phát triển Thủ đô.
Những vấn đề ở Thủ đô là những đề nhạy cảm, cần phải quan tâm, nếu giải quyết tốt thì lan tỏa cả nước. “Phải quan sát cái nhạy cảm ấy để tập trung xử lý, giải quyết”, Thủ tướng nói, kể cả công tác quản lý Nhà nước, xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng.
Báo cáo cần thể hiện tư duy, tầm nhìn vượt ra ngoài phạm vi của đất nước, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội không đặt mục tiêu với TP. Hồ Chí Minh mà phải có tầm cạnh tranh với các thủ đô trên thế giới như Bangkok, Kuala Lumpua, Bắc Kinh…
Đây không phải là tầm nhìn 5 năm tới mà phải là tầm nhìn 10 năm, 15 năm, thậm chí 20 năm.
Thủ tướng gợi ý một số trụ cột quan trọng để phát triển, đó là nền kinh tế cạnh tranh; quy mô, môi trường kinh doanh, chất lượng thể chế là những lợi thế. Đó là bản sắc, một nền văn hóa truyền thống lịch sử thiêng liêng.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề TP. Hà Nội tổng kết chính xác xem hiện có bao nhiêu dự án cả 10 năm vẫn chưa triển khai được, “có lẽ đến hàng trăm dự án và cơ thể cao hơn”. Thành ủy, UBND Thành phố cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và các giải pháp, kế hoạch xử lý. Chậm triển khai sẽ lãng phí nguồn lực và cơ hội, thậm chí ảnh hưởng niềm tin đối với nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận