menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Hoàng

Hà Nội bao giờ... hết cháy?

Nhà phố ở đô thị Hà Nội chật chội, tận dụng mọi ngóc ngách; trước đây còn lấn chiếm ra lối đi, lấp ao hồ lấy chỗ, thành ra ngõ nhỏ, phố nhỏ chật hẹp, quanh co, đến khi gặp hoả hoạn không có lối chạy, lối cho xe cứu hoả vào ứng cứu.

“Thủy, hoả, đạo, tặc” luôn là mối nguy hiện hữu, chực chờ đe doạ cuộc sống con người.

Ngày xưa, ông bà ta xếp thủy - tức lũ lụt đứng đầu, tiếp đến là hoả hoạn, rồi mới đến trộm cắp, cướp giật. Nhưng ngày nay, ở đô thị văn minh hiện đại bậc nhất như thủ đô Hà Nội, hoả hoạn lại trở thành mối nguy cơ cao nhất, cướp đi sinh mạng và tài sản của người dân.

Các vụ cháy liên tiếp xảy ra ở khu vực đông dân cư, gây thiệt hại về người và của rất lớn. Chính quyền và cơ quan công an đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm tra và xử lý vi phạm về phòng cháy - chữa cháy, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Mới đây nhất, vào sáng sớm ngày 18/06/2024, một ngôi nhà 6 tầng ở Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã phát cháy. Đáng buồn nhất là đã có người thiệt mạng, trong đó có hai cháu bé còn ngây thơ, vô tội.

Đời sống người dân hiện nay gắn liền với nguồn điện, nguồn nhiệt cùng vật liệu dễ cháy. Yếu tố kỹ thuật luôn thường trực, đủ để cho đám cháy phát sinh. Tuy nhiên, hạ tầng và ý thức của người dân lại không đồng bộ, như một bệnh mãn tính kinh niên, có thể “phát bệnh” cháy bất cứ lúc nào.

Hà Nội, giờ đây là đại đô thị với 10 triệu dân, trong đó có 2,7 triệu là dân nhập cư đổ về kiếm sống. Gần một triệu học sinh, sinh viên đang theo học, sống chen chúc ở khu vực nội đô, trong những dãy nhà trọ, chung cư mini không đảm bảo lối thoát hiểm, chưa nói đến an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Đầu tư bài bản theo đúng Luật Phòng cháy Chữa cháy thì không đủ kinh phí; khi xây dựng, người ta chỉ tính công năng khai thác tối đa của căn nhà mà bỏ qua phần đầu tư cho phòng cháy, chữa cháy, coi đó là phần không sinh lời. Đầu tư cho phòng cháy không sinh lời giống như mua bảo hiểm, nhưng nếu không đầu tư, khi hoả hoạn xảy ra thì mất mát, thiệt hại là không kể xiết, nhất là sinh mạng con người.

Ý thức của người dân còn chủ quan, luôn nghĩ rằng cháy ở đâu đó xa lắm chứ không phải ở nhà mình, trình độ về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, có mấy người hiểu được thông số kỹ thuật của dây điện khi xây nhà. Tính lượng phụ tải, độ dư an toàn cho đường điện, nhà thầu thi công tư vấn thì nghĩ họ vẽ thêm ra để ăn tiền, hể hả với quyết định sai lầm của người tự cho mình là khôn ngoan.

Nhà phố ở đô thị Hà Nội chật chội, tận dụng mọi ngóc ngách; trước đây còn lấn chiếm ra lối đi, lấp ao hồ lấy chỗ, thành ra ngõ nhỏ, phố nhỏ chật hẹp, quanh co, đến khi gặp hoả hoạn không có lối chạy, lối cho xe cứu hoả vào ứng cứu. Thiết kế xây nhà luôn bỏ qua không tính đến lối thoát hiểm, thoát nạn. Sợ trộm cắp nên lắp rào sắt, lồng sắt chuồng cọp, nên lúc có biến, bên trong thất thanh mà bên ngoài bất lực. Mà thực tế bây giờ tiền thì nằm ở tài khoản, vàng cũng gửi ngân hàng, ở nhà đâu có nhiều tài sản có giá trị, trộm cũng chỉ lấy được ít đồ, cùng lắm là tiền, còn hỏa hoạn thì lấy đi tất cả, lấy từ mạng người, lấy đi.

Cháy do điện chập hay xăng xe khác với đám cháy do than củi, rơm rạ; đám cháy lập tức toả ra khói, khí độc, nếu hít phải là bị nghẹt niêm mạc mũi, không hấp thụ được ôxy, thần kinh bị tê liệt, nạn nhân chết ngạt trước khi chết do bỏng vì lửa. Cho nên việc tuyên truyền, diễn tập cho người dân kiến thức phòng cháy, kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm là việc hết sức cần thiết và nghiêm túc. Việc diễn tập giúp người dân không phản ứng hoảng loạn trước khói lửa mà nhớ được mình cần làm gì để cứu mình, cứu người.

Việc cầm bình cứu hoả xông vào dập lửa cho người tham gia diễn tập cảm nhận được sức nóng của đám cháy nguy hiểm như thế nào, nếu xảy ra cháy cần phải làm ra sao? Như thế nào là “bốn tại chỗ”, làm đúng và nghiêm túc việc huấn luyện, diễn tập này sẽ giúp số người chủ quan về cháy nổ bớt đi. Việc học và diễn tập phòng cháy, chữa cháy cần đưa vào giáo dục trong nhà trường, nhà trường cũng tổ chức diễn tập cho học sinh theo định kỳ, tạo thói quen phản ứng khi có cháy nổ.

Quy hoạch đô thị nếu không mạnh mẽ, xoá đi làm lại thì số vụ cháy chẳng thể giảm đi mà sẽ còn tăng lên do sự xuống cấp của hạ tầng. Chỉ khu dân cư đông đúc, nhà trọ, chung cư mới hay cháy chứ khu nhà ở biệt thự, chung cư cao cấp, khách sạn 5 sao có hệ thống chữa báo cháy, chữa cháy tự động thì khó mà có cháy lớn.

Còn giải pháp tạm thời, hãy làm mạnh các tổ cháy liên gia, huấn luyện kỹ, trang bị đủ máy cắt, máy cưa, thang, búa, rìa để khi phát sinh họ sẽ là “lực lượng tại chỗ”, sử dụng “phương tiện tại chỗ” để xử lý nhanh chóng đám cháy, cứu người thoát nạn. Còn khi để ngọn lửa bùng phát lớn, mất kiểm soát thì mọi thứ chỉ còn là tiếc nuối, giá như.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả