Hà Nội bảo đảm cung ứng hàng hóa, sẵn sàng bước vào đợt giãn cách tiếp theo
Trước khi bước vào các đợt giãn cách mới, Thành phố Hà Nội đã có phương án cụ thể về cung ứng thực phẩm. Đối với doanh nghiệp có hệ thống phân phối, thành phố luôn chỉ đạo dự trự hàng hóa tăng 30% tại các kho hàng, dự trữ hàng hóa tại quầy kệ tăng 50%.
Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h, ngày 6/9 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề cung ứng hàng hóa cho gần 9 triệu dân của thành phố lại được tiếp tục đặt ra. Tuy nhiên, qua 2 lần giãn cách liên tiếp với thời gian 1 tháng vừa qua cho thấy, Hà Nội luôn đảm bảo cung cầu hàng hóa kịp thời với giá cả ổn định cho nhu cầu người dân thành phố. Đây là những cách làm hay, kinh nghiệm tốt để Hà Nội phát huy đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định trong những ngày tới.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trước khi bước vào các đợt giãn cách mới, Thành phố Hà Nội đã có phương án cụ thể về cung ứng thực phẩm. Đối với doanh nghiệp có hệ thống phân phối, thành phố luôn chỉ đạo dự trự hàng hóa tăng 30% tại các kho hàng, dự trữ hàng hóa tại quầy kệ tăng 50%. Khi nguồn hàng hóa luôn dồi dào và công tác tuyên truyền tốt, người dân sẽ không còn tâm lý tích trữ, không còn hiện tượng đổ xô đi mua hàng. Cùng với đó, phương thức vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng được đảm bảo kịp thời trong thời gian giãn cách.
Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã cấp 2.200 xe ô tô, cấp mã trên 9.000 xe máy và trên 14.000 shipper vận chuyển hàng. Ngoài ra, thành phố có trên có 8.250 điểm bán bình ổn hàng hóa, tăng 7 lần so với năm ngoái. Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đang tiếp tục phối hợp mở các điểm bán hàng của các quận, huyện, thị xã bán hàng lưu động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đã có 9 quận huyện triển khai các điểm bán hàng. Đồng thời, mở hàng nghìn điểm bán hàng của Bưu điện.
“Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã để triển khai bán hàng cho các nhà trọ có đông công nhân để giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt phương án “một cung đường, hai điểm đến” cho công nhân tránh la cà vào các chợ dọc đường dễ lây nhiễm dịch bệnh. Và triển khai đăng ký việc bán hàng bằng xe buýt lưu động. Hiện nay, chúng tôi đã tổng hợp được 14 doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng xe lưu động trên địa bàn thành phố, trong những trường hợp cấp bách nhất, chúng tôi sẽ triển khai tiếp phương án này”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Thời điểm giãn cách vừa qua, Thành phố Hà Nội từng phải đối mặt với khó khăn khi liên tiếp phải dừng hoạt động tới 34 chợ, trong đó, hầu hết là các chợ đầu mối và 65 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố do xuất hiện ca F0 và F1. Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm, thành phố đã kịp thời điều phối hàng hóa, điều phối xe đến địa bàn có tâm dịch, tăng cường lượng hàng vào hệ thống chợ, hệ thống phân phối còn đang hoạt động. Bên cạnh đó, thành phố đã quyết định sử dụng 5 địa điểm tại ngoại thành để tập kết hàng hóa duy trì nguồn cung vào thành phố và thực hiện giãn cách các chợ đầu mối.
Với nguồn nhân lực của các siêu thị, cửa hàng tiện ích phải đi cách ly do tiếp xúc với F0, Sở Công Thương đã hỗ trợ các hệ thống phân phối phối hợp với đoàn thanh niên của thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và công đoàn để cung cấp cho người lao động đang bị mất việc làm, đảm bảo đủ lao động cho hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu. Đồng thời, đề xuất với Thành phố Hà Nội cho nhóm trong chuỗi cung ứng hàng hóa được vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, do luôn đảm bảo nguồn cung, nên hiện tượng tăng giá hầu như không xảy ra: “Sở Công Thương cũng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả ở các hệ thống phân phối cũng như ở chợ dân sinh. Đặc biệt, khi chúng tôi tiếp nhận thông tin chợ nào có thực phẩm đang tăng giá, chúng tôi phối hợp và cho kiểm tra ngay và giá cả vẫn ở mức bình thường có những hôm có mặt hàng chỉ tăng nhẹ 5-7%”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận