24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Cần bỏ luôn thuế tiêu thụ dặc biệt

Từ ngày 01/4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ chính thức được áp dụng giảm 2.000 đồng/lít và dầu nhờn, dầu diesel, dầu mazut giảm 1.000 đồng/lít

Mặc dù giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/4, thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, để giá xăng dầu “hạ nhiệt”, cần bỏ luôn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Từ ngày 01/4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ chính thức được áp dụng giảm 2.000 đồng/lít và dầu nhờn, dầu diesel, dầu mazut giảm 1.000 đồng/lít. Thế nhưng, ngoài việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu như đã được thông qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần bỏ luôn 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), mới khiến giá xăng dầu “hạ nhiệt”, giúp ổn định vĩ mô phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo đó, câu chuyện xăng dầu tiếp tục “nóng” nghị trường khi tại kỳ họp Quốc hội mới đây, một số đại biểu cho rằng, trong cơ cấu tính giá xăng dầu còn hàm chứa “nhiều yếu tố phức tạp”, có nhiều loại thuế đánh vào giá thành xăng dầu bán ra là chưa hợp lý. Đặc biệt, các ý kiến này nhấn mạnh, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu nhưng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như hàng xa xỉ: bia rượu, thuốc lá… là thiếu phù hợp.

Thực tế, ngoài thuế bảo vệ môi trường sau khi được giảm xuống còn 2.000 đồng/lít, giá xăng dầu hiện nay, còn chịu thuế nhập khẩu từ 0 - 8%, thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt 10%.

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ. Tức là do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này, mục đích thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để người dùng… tiết kiệm và khoản thuế này được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay.

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, giá xăng dầu hiện nay “cõng” thuế, phí lên gần 40% là quá cao, cần điều chỉnh mức chi phối của thuế, phí.

Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - Bùi Trinh nhấn mạnh, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu bởi dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Xăng dầu đều đi vào từng ngóc ngách của đời sống kinh tế xã hội, về nguyên tắc, đối với xăng dầu đã có thuế nhập khẩu, thuế GTGT, tại sao lại có thêm thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất?

“Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Cần bỏ luôn thuế tiêu thụ dặc biệt

Thế nhưng, giá xăng dầu vẫn là "gánh nặng" với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải - Ảnh minh họa

Theo tính toán của ông Trinh, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Nếu sau khi thuế bảo vệ môi trường được giảm, thì giá xăng dầu cũng còn tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, từ đó tác động làm giảm GDP ở chu kỳ sản xuất tiếp theo khoảng 7,3%.

Vì vậy, ông Trinh đề xuất, cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và tiếp tục bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm này vì không có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế.

Bên cạnh đó, theo ông Trinh, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 2% cho nhiều loại hàng hóa đang chịu thuế GTGT 10% kể từ đầu tháng 2 nhằm góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Thế nhưng, xăng dầu lại bị “loại” ra khỏi danh sách các mặt hàng được giảm thuế GTGT trong năm nay.

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế - Bùi Trinh, Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty luật ANVI cũng cho rằng, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu nên cũng cần được đưa vào danh sách được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% như các sản phẩm khác. Thậm chí, trong bối cảnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch thì xem xét giảm nhiều hơn, đưa chính sách thuế GTGT của xăng dầu xuống còn 5%.

“Giá xăng đầu cần giảm xuống nhiều hơn nữa vì đây cũng là chi phí doanh nghiệp, chi phí cao thì thu nhập lại giảm đi, làm cho phần thuế thu nhập cũng giảm. Việc giảm thuế, phí đối với xăng dầu không mất đi đâu mà sợ ngân sách giảm”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Thông tin với báo chí trước đó, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa - Chủ tịch Group Quản lý doanh nghiệp cho rằng, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia có áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu như một công cụ định hướng tiêu dùng và điều tiết nguồn thu ngân sách. Do mặt hàng xăng dầu vốn có nguồn gốc không tái tạo, gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng nên đưa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hòa, tại Việt Nam, sắc thuế này được hình thành từ thời 100% xăng dầu tiêu thụ phải nhập khẩu, vì vậy, mặt hàng này được xem như các mặt hàng xa xỉ hạn chế sử dụng như các sản phẩm nhập khẩu khác: rượu bia, nước hoa, thuốc lá, xe hơi… không khuyến khích tiêu dùng. Đến nay, loại thuế này lại có sự mâu thuẫn với chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp hóa đất nước.

“Việt Nam hiện nay đã tự chủ được 70% xăng dầu tiêu thụ trong nước, nên việc vẫn tiếp tục duy trì mức 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu đã trở nên không còn phù hợp”, ông Đỗ Hòa chia sẻ và kiến nghị, nên chăng tư duy về thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu cần thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới đang biến động mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả