Hạ lãi suất và sự kiện SVB có đảo ngược chính sách tiền tệ chống lạm phát?
Theo ông Quản Trọng Thành, mặt bằng lãi suất mới trên thị trường sẽ cần những yếu tố khác ngoài quyết định hạ lãi suất điều hành mới đây; cũng như kỳ vọng thị trường từ vụ SVB sẽ diễn biến khác...
2 thông tin quan trọng nhất trong tuần qua được dự báo sẽ còn tiếp tục tác động đến thị trường tài chính trong và ngoài nước trong thời gian tới, là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hạ lãi suất điều hành và Mỹ chứng kiến những ngân hàng sụp đổ, bắt đầu từ Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank, SVB) lan rung chấn sang châu Âu.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Nghiên cứu CTCK Maybank Việt Nam (MSVN) đã dành thời gian trò chuyện về các vấn đề trên.
- Như chúng ta đã biết, trong tuần, NHNN đã có quyết định hạ lãi suất điều hành. Nhiều kỳ vọng về quyết định chính sách này là sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất mới thấp hơn nữa trên thị trường?
Hiện tại đợt điều chỉnh lãi suất vừa rồi chỉ tập trung lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn, tức lãi suất áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước cấp vốn, bơm vốn cho các ngân hàng thương mại khi sử dụng các tài sản đảm bảo là giấy tờ trái phiếu Chính phủ với cái giá bao nhiêu cho ngân hàng, không trực tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất tiền gửi đáng kể. Bây giờ yếu tố thị trường chờ đợi nhất là lãi suất trần các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng điều chỉnh được không, bởi vì nếu lãi suất này hạ xuống được thì mới tạo không gian cho phần lãi suất tiền gửi dài hạn giảm nữa.
Điều mà thị trường đang nói nhiều, và bản thân hiện tượng thị trường đã có hàng loạt TCTD hạ lãi suất trước khi NHNN hạ lãi suất điều chỉnh, đó là lãi suất tiền gửi dài hạn. Mà lãi suất tiền gửi dài hạn trên thị trường tăng là từ khoảng 11 năm ngoái, do tác động của những quy định, như quy định về tỷ lệ tính thanh khoản (LDR) khiến lãi suất tăng lên tạm thời khi đó; còn bây giờ thì lãi suất dài hạn giảm, nhưng giảm từ mức rất cao. Trên thị trường mọi người nghe mức cost (giá) là 10-11%, thì bây giờ giảm còn 8-9%; và so mức 8-9% lãi suất dài hạn đó với lãi suất ngắn hạn là 6% thì rõ ràng đang có khoảng cách (gap) còn 2%. Để lãi suất dài hạn giảm xuống nữa, thị trường chờ lãi suất điều hành liên quan đến trần tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng giảm, giúp tạo hiệu ứng về mặt định hướng là lãi suất dài hạn cũng sẽ phải giảm.
Do đó, điều quan trọng bây giờ là chúng ta đang thấy NHNN điều chỉnh theo mỗi bước thận trọng, lựa chọn lãi suất chính sách có yếu tố mang tính định hướng trước, còn thay đổi lãi suất chính sách mà có tác động trực tiếp nhiều hơn đến mặt bằng lãi suất tiền gửi, là loại lãi suất trần tiền gửi dưới 6 tháng, thì có lẽ phải có thêm những thông tin khác.
- Vậy theo ông cụ thể đó là những thông tin gì?
Cụ thể là phải xem Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh lãi suất của họ như thế nào. Bởi vì mình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải cân đối mức lãi suất của mình và tình hình lãi suất của Mỹ để làm sao nó không tác động quá nhiều đến tỷ giá.
Yếu tố thứ 2 nữa là phải chờ xem các con số lạm phát của Việt Nam trong tháng 3 diễn biến như thế nào, có ổn không để có những quyết định điều chỉnh chính sách điều hành rõ ràng hơn, quyết liệt hơn nữa.
- Dù vậy thì với quyết định này, liệu có thể xem như NHNN đã bật tín hiệu sẵn sàng “đi ngược” thị trường tài chính toàn cầu (trừ 1 số quốc gia như Trung Quốc nới lỏng hỗ trợ thanh khoản đặc biệt cho thị trường trái phiếu và bất động sản, hay Nhật vẫn giữ chính sách lãi suất âm) để nới lỏng tiền tệ? Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?
Ở Việt Nam có đặc thù riêng về tín dụng cho vay có hạn mức hàng năm, NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến là 14-15%. Chính sách luôn định hướng theo hạn mức, do đó tôi đánh giá đây là quyết định không có tính chuyển trạng thái từ thắt chặt sang nới lỏng, mà là “từ thắt chặt sang bớt thắt chặt”. Ngoài ra kết hợp với các yếu tố khác như các động thái bơm, hút tiền của NHNN, chúng ta có thể thấy là vẫn đang thắt chặt, nhưng là “bớt thắt chặt hơn”. Theo đó chính sách tiền tệ của NHNN vẫn ở trạng thái thận trọng.
- Ông đánh giá ra sao về ảnh hưởng sự kiện SVB và các ngân hàng kế tiếp trong danh sách nguy cơ phá sản?
Theo tôi SVB là 1 ngân hàng đặc biệt, người gửi tiền rất đặc thù là các công ty công nghệ và start up. Trong giai đoạn tiền dễ, lượng tiền bơm vào nhóm này rất nhiều và họ cầm tiền này gửi vào SVB với lãi suất rất thấp. Do nhận tiền gửi dễ dàng lãi suất thấp nên ngân hàng lại gửi vào trái phiếu Chính phủ với lãi suất rất thấp; nhưng khi lãi suất tăng thì các tài sản trái phiếu Chính phủ mất giá. Trong trường hợp người gửi tiền không rút tiền thì lỗ của SVB sẽ chỉ ghi nhận trên sổ sách và họ vẫn vận hành bình thường. Nhưng khách hàng của SVB là những người đang gặp khó khăn dòng tiền hàng ngày hàng giờ, do đó họ rút tiền ra. Vì vậy mà lỗ trên ghi nhận của SVB cần tiền để bù đắp, cần tiền để thanh toán cho khách hàng, họ bán cổ phiếu nhưng bất thành, do đó mới sụp đổ. Ở đây ta thấy sự đặc thù của SVB về đối tượng khách hàng, và cách vận hành tiền gửi thiếu sự quản trị rủi ro nên mới rơi vào như vậy. Đó có phải là vấn đề của các ngân hàng khác không? Tôi cho không phải là vấn đề của hệ thống ngân hàng Mỹ nói chung.
Tất nhiên, lãi suất tăng quá cao sẽ có sự ảnh hưởng đến các ngân hàng. Nhưng nếu là các NHTM đa dạng đủ đã đối tượng gửi, vay, đặc biệt là cho vay và kiếm đủ sinh lời thì họ vẫn có thể bù cho thiệt hại về tài sản, trái phiếu đó, hoặc có cơ sở để các ngân hàng lớn khác họ tham gia hỗ trợ (như trường hợp mới của First Repulic Bank hay xa hơn phía châu Âu là Credit Suisse).
- Từ câu chuyện đó nhìn về thị trường Việt Nam, sẽ có tác động hay bài học gì cho thị trường, thưa ông? Và lại có thể kỳ vọng về chính sách tiền tệ bớt "diều hâu" từ Fed, cũng như áp lực với tỷ giá hối đoái của chúng ta sẽ càng bớt rủi ro tới đây?
Tôi nghĩ hệ thống ngân hàng Việt Nam có sự quản trị đặc biệt hơn. Đó là mức độ về đa dạng người gửi tiền, phân bổ tài sản và khả năng quản trị rủi ro của chúng ta thận trọng hơn nên tốt hơn. Vì vậy như trao đổi ở trên tôi không nghĩ là câu chuyện SVB nó đúng với toàn bộ hệ thống ngân hàng của Mỹ; và lại càng khác xa với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tôi cũng không nghĩ rằng thị trường đang đặt các kỳ vọng về sự “bồ câu” hơn của Fed hay của NHNN Việt Nam, thì thực tế sẽ diễn ra đúng như kỳ vọng, hay nói cách khác là kỳ vọng này sẽ không đúng. Nguyên do là bởi các cơ quan quản lý này sẽ còn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến chống lạm phát. Nếu lạm phát ổn, thì họ sẽ điều hành chính sách theo hướng tăng lãi suất giảm dần; còn nếu lạm phát vẫn tiếp tục căng thẳng, thì sẽ tiếp tục theo tiến độ như đã định hướng với thị trường. Trong khi đó, SVB không là một sự kiện trọng yếu để thay đổi định hướng điều hành.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận