Hà Giang: Nhân chứng vụ sửa điểm thi bị nhắc nhở không nên mặc 'váy dạ hội' đến tòa
Sáng 16/10, sau khi kết thúc thẩm vấn các bị cáo, HĐXX phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang chuyển sang phần thẩm vấn các nhân chứng.
Có tới 180 nhân chứng được triệu tập tại phiên tòa này, trong buổi sáng nay HĐXX hỏi những người làm chứng có liên quan đến bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang).
HĐXX hỏi bà Nguyễn Thị Xuân Hương, người bán rau ở chợ Lớn (TP Hà Giang). Bà Hương có quan hệ là gia đình thông gia với bị cáo Triệu Thị Chính (anh trai bà Hương lấy em gái bà Chính).
Xuất hiện tại tòa với bộ váy hoa màu đỏ sặc sỡ, bà Hương ngay lập tức bị Chủ tọa Vương Thị Thu Hà nhắc nhở: “Đề nghị chị lần sau đến tòa thì mặc quần áo khác, mặc thế này mang tính chất dạ hội hơn”.
Bà Hương có con trai là N.Đ.C, sinh năm 1991, thí sinh tự do tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, khi đó đang là lính nghĩa vụ tại trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang.
Với mong muốn được đỗ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, trước kỳ thi bà đến nhà Triệu Thị Chính để “nhờ bác Chính nhờ thầy ôn mấy buổi để đi thi vì con tôi đang đi lính nghĩa vụ, nó như trên mây không biết gì mấy”.
Tại tòa, bà Hương cũng khẳng định không nhờ bị cáo Chính “nâng điểm” cho con mà chỉ nhắn tin qua điện thoại “nhờ xem điểm”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương (váy đỏ) tại tòa.
Tuy nhiên, HĐXX đọc lại lời khai của bà Hương tại cơ quan điều tra (CQĐT) và được bà Hương xác nhận đây đúng là lời khai của mình: “Tôi nhờ bà Chính tìm thầy ôn cho con, sau đó nhắn tin báo số báo danh nhờ nâng điểm thi để đủ điểm vào Đại học Cảnh sát. Sau khi báo điểm, thấy điểm con thấp (tổng điểm đạt 8,2 điểm) nên mới biết bác Chính không giúp. Tôi có hỏi chị Chính liệu bây giờ có thể giúp được không và chị trả lời “không”.
Giải thích về việc gửi tin nhắn cho Chính, bà Hương nói: “Ở chợ lớn TP Hà Giang người ta cứ bàn tán phải đưa mấy chục triệu mới được lên điểm. Tôi nhắn cho bác Chính bảo bác giúp có được không, nhưng bác không trả lời nên tôi biết con tôi không được vào trường Công an, từ đó tôi cũng không liên lạc gì với chị Chính”.
Bà Hương khẳng định bản tự khai tại cơ quan điều tra là hoàn toàn chính xác, nhưng tại tòa lại nói “chỉ nhắn tin nhờ xem điểm”. “Lâu rồi tôi không nhớ, tôi cũng bận công việc ở chợ quá, không nhớ được. Tôi bán rau ngoài chợ lớn TP Hà Giang”, bà Hương nói.
Không đồng ý với lời khai của bà Hương, bị cáo Triệu Thị Chính cho biết bà Hương có đến nhà để nhờ giúp con gái được vào trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang năm 2018.
“Tôi nói bác chịu không giúp gì được”, Triệu Thị Chính nói. “Chị Hương tỏ ra không vui nhưng tôi nói phải thông cảm cho bác. Sau đó chị Hương nói có biết ai luyện thi tốt không, muốn tìm thầy ôn tiếng Anh. Tôi cho chị ấy số điện thoại của giáo viên ở trường nội trú tỉnh”.
Cũng theo bị cáo Chính, sau khi không giúp con trai bà Hương tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, bà Hương không nhắn lại nên bị cáo hiểu là bà Hương đang “giận” mình.
Bị cáo Chính cũng đặt câu hỏi tại sao bà Hương lại nhắn tin cho mình sau khi có kết quả thi, đồng thời cho biết sau này có tìm hiểu và phát hiện ra nhà bà Hương ở sát vách nhà bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí).
Các nhân chứng còn lại trong nhóm những nhân chứng có liên quan đến bị cáo Chính đều khẳng định chỉ nhờ bà Chính xem điểm giúp, chứ không nhờ nâng điểm cho con họ.
Đáng chú ý, một trường hợp là nhân chứng Nông Lâm Thanh Triều (Phó phòng Giáo dục Đào tạo huyện Xín Mần) trước đó không hề biết đến việc con mình được lãnh đạo Sở quan tâm đặc biệt.
Câu chuyện bắt đầu từ sáng 25/6/2018, đúng ngày đầu diễn ra kỳ thi tốt nghiệp, bà Triều nhận được điện thoại từ Ban Chỉ huy quân sự huyện Đồng Văn (nơi chồng bà Triều công tác) thông báo việc chồng bà bị đột tử. Sau khi biết chuyện, ông Vũ Văn Sử (Giám đốc Sở GD&ĐT) đã lưu ý với Triệu Thị Chính về trường hợp này, nếu con trai bà Triều đỗ tốt nghiệp thì tốt, nếu không sẽ giúp đỡ làm đơn xin đặc cách thi tốt nghiệp. Kết quả là con trai bà Triều đỗ tốt nghiệp mà không cần đến sự giúp đỡ nào, nhưng không đỗ vào trường đại học theo nguyện vọng.
Một trong những nhân chứng đáng chú ý là ông Vũ Văn Sử, ông khẳng định mình chỉ muốn giúp con trai bà Triều được đặc cách trong trường hợp trượt tốt nghiệp, chứ không có chuyện nhờ nâng điểm cho bất kỳ thí sinh nào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận