Gửi tiết kiệm cả triệu tỷ đồng, người dân “giàu“ hơn cả doanh nghiệp
Dù lãi suất huy động giảm mạnh, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân tại ngân hàng hiện vẫn nhiều hơn tất cả tổ chức kinh tế cộng lại.
Cụ thể theo số liệu tính toán mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2021, số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng chỉ đạt mức tăng 2,92% so với cuối năm 2020.
Đây là mức tăng rất thấp nếu so với tăng trưởng số dư tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong gần 10 năm qua. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư từ mức 16% tháng 5.2012, giảm còn 14,26% vào tháng 5.2013, năm 2014 tăng 9,49%, năm 2015 tăng 8,31%, năm 2016 tăng 11,04%, năm 2017 tăng 9,39%, năm 2018 tăng 7,5% và năm 2019 tăng 6,84%.
Đặc biệt trong hai năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng liên tục đi xuống, tăng trưởng tiền gửi dân cư tại các ngân hàng liên tục có dấu hiệu đi xuống. Thậm chí giảm mạnh xuống còn 4% năm 2020 và 2,92% vào cuối tháng 9/2021.
Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, việc các ngân hàng lần lượt giảm mạnh lãi suất huy động vốn do tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế gặp khó khăn là yếu tố khiến nhiều người chuyển sang kênh đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu, đầu tư bất động sản, mua vàng…
Diễn biến trên khiến tiền gửi dân cư tại ngân hàng giảm mạnh và có tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng.
Trong khi đó do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khả năng tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu cũng như khả năng cung ứng dịch vụ cho khách hàng sụt giảm khiến cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh không có nên nhiều doanh nghiệp tạm thời gửi tiền vào ngân hàng thương mại.
Việc các doanh nghiệp có nguồn tiền mặt lớn, không những không có nhu cầu vay ngân hàng, mà ngược lại có nguồn tiền đem gửi ngân hàng khiến số dư tiền gửi ngân hàng của các tổ chức kinh tế liên tục tăng cao từ đầu năm 2020 đến nay.
Số liệu thống kế của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong khi tiền gửi của dân cư chỉ tăng 2,92%, số dư tiền gửi ngân hàng của các tổ chức kinh tế tại tăng tới 7,8% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên nếu xét về con số tuyệt đối, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các ngân hàng vẫn nhiều hơn tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Cụ thể tính đến cuối tháng 9/2021 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, người dân đang gửi ngân hàng tổng cộng gần 5,292 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó đến cùng thời điểm và dù liên tục tăng mạnh trong 2 năm qua, tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 9/2021 mới đạt 5,258 triệu tỷ đồng.
Liên quan đến nguồn tiền trong dân, Bộ Tài chính đang gây chú ý với phương án phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái ngoại tệ nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.
Theo đó Bộ Tài chính cho biết có thể huy động khoảng 180.000 tỷ đồng trong dân chúng trong hai năm, thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu và công trái ngoại tệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận