Gửi lời nhắn nhủ Mỹ, Trung Quốc muốn đàm phán hay cảnh cáo?
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề nghị Mỹ hãy kiềm chế trong cuộc chiến thương mại song phương khi ông có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo.
Gần đây Mỹ đã có những tuyên bố và động thái gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Trung Quốc và các doanh nghiệp nước này. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Mỹ không nên đi “quá xa” trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước, và phía Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết những bất đồng thông qua việc đối thoại nhưng phải dựa trên sự bình đẳng.
Về vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Iran, ông Vương cũng hy vọng tất cả các bên hãy kiềm chế và hành động thận trọng nhằm tránh việc căng thẳng tiếp tục leo thang. Sau đó,ông đã trao đổi với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về các vấn đề song phương và mối lo ngại của Mỹ về Iran nhưng Nhà Trắng đã không nêu rõ nội dung cuộc nói chuyện.
Cả hai nền kinh tế đang cố gắng gây áp lực lên đối phương nhằm nâng vị thế trên bàn đàm phán.Trung Quốc đã giảm bớt đơn hàng thịt lợn từ Mỹ, đồng thời các cơ quan truyền thông trong nước đưa ra thông điệp ngày càng đậm chất chủ nghĩa dân tộc.
Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại, sau thất bại của cuộc đàm phán và những đòn trả đũa qua lại, Trung Quốc cũng đang mở một cuộc "tấn công" hình ảnh của Mỹ trên mọi phương diện chiếu những bộ phim chống Mỹ, truyền thông chính thống Trung Quốc cũng mở chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền Donald Trump đưa Huawei và các công ty con vào danh sách đen, cấm các công ty này tham gia vào chuỗi cung ứng, dù những hành động này đã dừng để làm dịu đi mối quan hệ giữa hai nước trước vòng đàm phán tiếp theo.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cuộc điện đàm lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị và ông Mike Pompeo chủ yếu xoay quanh vấn đề căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran. Không có nhiều tác động đến việc giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về cơ bản, hiện nay căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không còn giải quyết được bởi các nhà đàm phán hai bên. Việc đưa ra những thay đổi vào phút chót đã khiến Tổng thống Trump không hài lòng với phía Trung Quốc, cụ thể là với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo nhiều nguồn tin thân cận, Chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ yêu cầu một loạt thay đổi đáng kể trong bản thỏa thuận đã ở giai đoạn thai nghén mà trưởng đoàn đàm phán Lưu Hạc phải làm việc với đội ngũ của ông Trump suốt hàng tháng trời để soạn thảo.
Các thay đổi này đã được thảo luận với những quan chức vốn lo ngại các điều khoản trong dự thảo thỏa thuận được đề xuất sẽ khiến cho dư luận nghĩ Trung Quốc đang nhượng bộ trước áp lực từ Mỹ. Có khả năng đến phút cuối cùng, ông Tập nhận thấy việc thay đổi luật kinh tế trong nước như phía Mỹ yêu cầu sẽ là một hành động xúc phạm danh dự quốc gia.
Lời giải thích hợp lý nhất cho việc này là sự phối hợp chính sách chưa chặt chẽ, chứ không phải là một nỗ lực cố ý lừa gạt Mỹ. Ý nghĩ rằng ông Trump muốn có được thỏa thuận để kích thích thị trường chứng khoán có thể đã khiến họ tưởng có thể gây sức ép ngược lại.
Để giải quyết triện để vấn đề này, các chuyên gia nhận định, hai nước phải chờ đến cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới. Tuy nhiên, cần nhớ rằng mục tiêu của Mỹ không phải là giành được các nhượng bộ thương mại, mà là để thay đổi cách tiếp cận chính sách kinh tế và công nghiệp của Trung Quốc.
Do đó,Bắc Kinhsẽ tiếp tục từ chốinhững yêu cầu của Mỹ được cho là khó chấp nhận. Một ví dụ điển hình là việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua thêm sản phẩm của mình, trong khi lệnh hạn chế xuất khẩu đồ công nghệ cao sang Trung Quốc vẫn có hiệu lực.
Ngoài ra, phía Mỹ còn yêu cầu lập ra một cơ chế xác minh nhằm theo dõi Trung Quốc thực hiện cam kết chấm dứt bắt buộc chuyển giao công nghệ, một hành động được Trung Quốc coi là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.
Với lời đề nghị phía Mỹ "đừng đi quá xa" của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc muốn nhắn gửi tới Tổng thống Trump rằng họ đang có trong tay nhiều "quân bài" để trả đũa Mỹ và nếu Mỹ tiếp tục không nhượng bộ, Trung Quốc sẽ xuống đòn.
Nhưng tại thời điểm hiện nay, để có thể đối đầu với Mỹ,Trung Quốc sẽ cần phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để tạo ra sự thịnh vượng. Để làm như vậy mà không gây ra rủi ro trong hệ thống tài chính, Bắc Kinh sẽ cần thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân lớn hơn nhiều, thay vì dựa vào đầu tư của chính phủ nợ và các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả đã giúp thúc đẩy tăng trưởng trong nước của nhiều thập kỷ qua.
Giờ đây, bất kì thỏa hiệp nào nhằm đi đến thỏa thuận cũng phải đối mặt với việc bị xem xét một cách khắt khe. Khả năng đạt được một hiệp định thương mại giữa hai nước càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi Trung Quốc cũng không muốn ngồi vào bàn đàm phán với vị thế yếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận