GS TS Nguyễn Mại: Rất cần khung pháp lý hỗ trợ tập đoàn kinh tế
"Chúng ta đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên rất cần có khung pháp lý hỗ trợ tập đoàn kinh tế"...
Tại diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế ngày 19/12 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần có khung pháp lý để hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam phát triển.
Tập đoàn kinh tế chủ yếu lớn mạnh nhờ bất động sản…
Theo GS. Nguyễn Mại, hiện nay chúng ta đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên rất cần có khung pháp lý hỗ trợ tập đoàn kinh tế.
Dẫn chứng về vai trò của các tập đoàn kinh tế đối với sự phát triển của quốc gia, GS. Nguyễn Mại cho biết, tại Mỹ, các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Apple, Google, Micrsoft, Facebook… là biểu tượng của nền kinh tế số và đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước này.
Sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Nhật Bản trong thập niên 60-80 cũng có sự đóng góp lớn của các tập đoàn kinh tế như Honda, Toyota, Mitsubishi,…Tương tự, tại Hàn Quốc các chaebol như Samsung, Hyundai, LG… cũng có những đóng góp lớn cho nền kinh tế, trong đó Samsung đóng góp tới 20% kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông, các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành những nền kinh tế phát triển của thế giới phần lớn là nhờ có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Tại Việt Nam, cùng với sự đổi mới chính sách kinh tế, ngày càng có nhiều các tập đoàn kinh tế hình thành trong đó đã có những tập đoàn kinh tế lớn vươn tầm khu vực.
Tuy nhiên, nếu như tại Mỹ, kinh tế số là động lực phát triển thì tại Việt Nam trong số những ngành mà các tập đoàn kinh tế lớn phát triển, công nghệ tin học mới chỉ chiếm 9,2%. Đa phần các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam chủ yếu là lớn mạnh nhờ bất động sản, thương mại và một số dịch vụ khác.
Không thể phủ nhận rằng Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực thực hiện các dự án lớn như Tập đoàn Đèo Cả đã thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm của đất nước hay Tập đoàn Vingroup gần đây đang tập trung cho công nghiệp ô tô, điện thoại bên cạnh phát triển bất động sản...
Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Mại, để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các tập đoàn kinh tế, cần rất nhiều vấn đề phải làm.
Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh
Theo ông, nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế trong nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và dịch vụ hiện đại làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời, quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng "chuyển giá", trốn thuế, sở hữu chéo...
Tập đoàn kinh tế cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích lũy vốn và tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả cao.
Hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước và toàn cầu là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường trong nước và cạnh tranh thắng lợi trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, theo ông, do số lượng doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn nên cần có Luật Đầu tư ra nước ngoài để điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi và mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp ở từng nước. Đồng thời giám sát, kiểm tra có kết quả việc chuyển vốn bằng ngoại tệ ra nước ngoài và chuyển lợi nhuận, vốn khấu hao về nước, bảo đảm an ninh của thị trường ngoại hối.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận