menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Thủy Tiên

GS. Hà Tôn Vinh: Để thu hút FDI, không chỉ làm tốt, thường xuyên phải làm tốt hơn!

Việt Nam cần làm tốt hơn, nhiều hơn, nhanh hơn những gì đang làm để đón làn sóng FDI.

Các tập đoàn nước ngoài phát tín hiệu dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực châu Á đang dấy lên hy vọng cho Việt Nam trong việc thu hút “đại bàng vào làm tổ”.

Giáo sư đánh giá thế nào về điều này?

Các công ty đa quốc gia luôn có chiến lược phát triển hay thu gọn hoạt động phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới, sự phát triển hay thay đổi của công nghệ, hoặc tình hình chính trị nơi họ hoạt động… Mục tiêu chính của họ là để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, mở rộng thị trường, tầm hoạt động hay ảnh hưởng lâu dài. Vì vậy, việc các tập đoàn dự kiến rời Trung Quốc để sang một nước khác cũng không có gì là ngạc nhiên hay mới lạ.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang có xung đột chính trị và thương mại, sẽ có nhiều công ty tính toán rút khỏi Trung Quốc. Việc đánh mạnh vào sự thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều hệ lụy chính trị, kinh tế và tài chính quốc tế. Đại dịch Covid-19 chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh, Đức cũng sẽ dần dịch chuyển doanh nghiệp của họ ra khỏi Trung Quốc và vào những thị trường thân thiện với Mỹ như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và cả Việt Nam.

Mới đây, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) đã tiết lộ danh sách 30 công ty Nhật Bản rời Trung Quốc, trong số đó có 50% dự định sẽ tới Việt Nam. Việt Nam dường như đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho doanh nghiệp Nhật Bản?

Sự kiện 30 công ty Nhật Bản chuyển ra khỏi Trung Quốc và có 15 công ty đang nghiên cứu vào Việt Nam là một tin vui. Tuy nhiên, để các công ty Nhật Bản quyết định đến Việt Nam còn là một quá trình đòi hỏi thời gian, cần nhiều thông tin và sự hỗ trợ cũng như cam kết của lãnh đạo Việt Nam.

Xét về hiện tượng dịch chuyển này, có 3 yếu tố cần biết.

Thứ nhất, Chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn rất mạnh sự dịch chuyển này và đã cám kết bỏ ra hơn 650 triệu USD để chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Điều này nhằm làm giảm sự phụ thuộc và đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng cho nước Nhật.

Chính phủ Nhật Bản đang kêu gọi các doanh nghiệp trở về Nhật Bản hoặc di chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, vì hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động thành công ở Việt Nam, tạo hiệu ứng lôi kéo, tập hợp để cùng hỗ trợ và phát triển.

Thứ hai, từ những năm 2012, ở Trung Quốc đã có rất nhiều cuộc biểu tình chống Nhật Bản vì vấn đề của đảo Điếu Ngư/Senkaku. Rất nhiều công ty Nhật Bản bị áp lực tài chính, thương mại, vì người Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật Bản. Việc dịch chuyển doanh nghiệp Nhật Bản ra khỏi Trung Quốc cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp và thị trường ở nước ngoài.
Thứ ba, Việt Nam từ lâu đã có một quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với Nhật bản rất tốt. Tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư thân thiện và gần gũi với văn hóa kinh doanh Nhật Bản đã đưa Việt Nam vào tầm ngắm và là địa điểm ưu tiên của Chính phủ cũng như doanh nghiệp Nhật Bản.

Vì vậy, việc chọn điểm đến kinh doanh thì không gì tốt hơn là nơi có thị trường và chế độ chính trị ổn định, nhân công lao động tốt và đặc biệt là có sự hiện diện của các công ty Nhật Bản đi trước đã làm cho các công ty đi sau yên tâm.

Đã có những tín hiệu cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tin vào chính sách, đường lối của lãnh đạo Việt Nam và sẵn sàng mở rộng hoạt động. (Nguồn: Cafe F)

Không thể phủ nhận đây là một vận hội lớn của Việt Nam. Vậy Việt Nam cần làm gì để tiếp nhận các nguồn vốn hấp dẫn này, thưa Giáo sư?

Doanh nghiệp Nhật Bản quyết định chuyển đến Việt Nam là cơ hội tốt cho cả hai bên.

Thứ nhất, tốt cho doanh nghiệp của Nhật Bản, bởi họ sẽ biết cần làm gì và sẽ thành công thế nào.
Thứ hai, tốt cho địa phương Việt Nam. Có sự hiện diện và đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, nhân công lao động Việt Nam sẽ có thêm có công ăn việc làm, nguồn thu thuế hay dịch vụ địa phương gia tăng.
Thứ ba, môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ được mở rộng, đầu tư tài chính và các dự án cơ sở hạ tầng gia tăng… Đó cũng là những tín hiệu cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tin vào chính sách, đường lối của lãnh đạo Việt Nam và sẵn sàng mở rộng hoạt động.

Để đạt được những mục tiêu phát triển của đất nước, lãnh đạo quốc gia hay địa phương của Việt Nam hay các doanh nghiệp đối tác của Việt Nam đều cần làm tốt hơn, nhiều hơn, nhanh hơn những gì họ đang làm. Doanh nghiệp Nhật Bản rất chú trọng vào khái niệm quản trị kinh doanh “Kaizen”, nghĩa là cải tiến, cải thiện. Đây là một yếu tố kinh doanh rất quan trọng, hàng ngày, hàng giờ phải làm tốt hơn những gì mình đã làm.

Do đó, Việt Nam không những phải làm tốt mà thường xuyên phải làm tốt hơn!

Tác giả Jim Collins khi viết cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại đã đưa khái niệm “Kaizen” vào ngay đầu đề. Ông Collins nói rằng: “Tốt là kẻ thù của vĩ đại”, điều này hàm ý làm tốt chưa đủ. Vì nếu chỉ làm tốt thôi thì mọi chuyện sẽ dừng ở đó và sẽ mãi mãi không có gì vĩ đại hoặc trường tồn.

Để thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu được “Kaizen”, là triết lý cũng như chiến lược kinh doanh của Nhật Bản.

Bên cạnh mặt tích cực, cũng có mặt tiêu cực, ví dụ như việc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Giáo sư nhận định thế nào?

Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra và có thông tin nhiều công ty đa quốc gia muốn rời khỏi Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đích thân viết thư mời gọi các tập đoàn này, đặc biệt là hơn 1.000 tập đoàn Mỹ đến đầu tư và mở rộng hoạt động tại Ấn Độ.

Lãnh đạo các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, cũng có những động thái mời chào các nhà đầu tư đến thị trường của họ với các ưu đãi như miễn thuế lên tới 10 năm, thuê đất lâu dài... Điều này cho thấy sự nhạy bén trong tầm nhìn, thái độ cầu thị và quyết tâm kêu gọi và mang các nhà đầu tư nước ngoài vào đất nước của họ.

Vậy điểm yếu hiện tại của Việt Nam là gì và cần thay đổi như thế nào?

Việt Nam đang làm rất tốt việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư nhiều năm vẫn còn chưa đạt mức yêu cầu hay mục tiêu dự kiến.

Điều này hiển nhiên cho thấy sự yếu kém trong bộ máy quản lý dự án, sự tập trung nguồn vốn vào một vài địa phương hay trung ương, sự quá tải trong việc họach định, phát triển hay quản lý dự án của đội ngũ cán bộ chủ chốt hay điều hành dự án.

Rất nhiều các cán bộ điều hành hay quản lý dự án không được đào tạo bài bản về các mô hình hay phương pháp quản lý dự án có tầm cỡ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc các dự án bị đội giá trên 10-20% hay chuyện kéo dài thời gian trên nhiều năm là chuyện thường thấy, điều này trong ngành quản lý dự án là điều không thể chấp nhận được, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ mất niềm tin vào trình độ của các cán bộ điều hành cũng như quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, sự lệch pha giữa việc hoạch định chính sách, thiết kế , điều hành và quản lý dự án, đến việc thi hành dự án là một khoảng cách rất xa và là “nút thắt cổ chai” lớn nhất trong việc đón nhận và hoàn thành các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc đào tạo quản lý dự án chuyên nghiệp, có trình độ quốc tế và bài bản là việc cấp thiết cần làm ngay.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại