menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Khương

Grab “tố” Tổng cục Thuế áp dụng Nghị định 126 là không hợp pháp: Ai sai, ai đúng?

Việc Grab "mượn" quy định tại Nghị định 126 để tăng giá cước và phần trăm chiết khấu đang gây ra nhiều tranh cãi, bởi Grab dù là mô hình kinh tế chia sẻ nhưng lại đẩy phần khó về phía các đối tác và giành phần lợi ích về phía mình.

Như đã đưa tin, ngày 11/12, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Công ty TNHH Grab. Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Công ty TNHH Grab "thận trọng trong phát ngôn" khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá là do tác động của Nghị định 126, tránh tạo dư luận và xã hội hiểu không đúng về pháp luật của Nhà nước về chính sách thuế. Đồng thời, Grab cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế lái xe tại Việt Nam để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và cùng phát triển.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận công văn của Tổng cục Thuế, Grab đã có văn bản phản hồi khẳng định: "Tổng cục Thuế áp dụng Nghị định 126/2020/NĐ-CP đối với trường hợp tính thuế GTGT đối với hình thức xe hai bánh là không hợp pháp".

Theo Grab, hiện chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách xe hai bánh. Do đó, trong thực tế, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh vẫn phải dựa vào các nguyên tắc của Bộ luật dân sự giữa tài xế và hành khách. Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh hoàn toàn không có tính chất kinh doanh mà là hoạt động kiếm sống của những người có thu nhập thấp (đa phần là 100 triệu đồng/năm).

Quy định phù hợp với bản chất giao dịch

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Grab nói rằng áp dụng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với trường hợp tính thuế giá trị gia tăng của hình thức xe hai bánh là không hợp pháp vì chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách xe hai bánh là không chính xác.

“Theo quy định thì tất cả đối tượng thực hiện trao đổi hàng hóa, dịch vụ, buôn bán và thu tiền về đều là hoạt động kinh doanh, mà đã là hoạt động kinh doanh thì dù lớn hay nhỏ đều có trách nhiệm nộp thuế. Còn mức thuế như thế nào và đối tượng nào được giảm trừ hay miễn thuế phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định”, PGS. TS. Ngô Trí Long nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín nhận định, việc hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa tài xế và hãng công nghệ phải thực hiện kê khai tính thuế GTGT 10% cho toàn bộ doanh thu thu được là hợp lý, phù hợp với các quy định hiện hành, đồng thời phù hợp với bản chất của giao dịch và đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các loại hình kinh tế.

Ông Được cho rằng, các văn bản pháp luật hiện hành đã quy định đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân có thực hiện phân chia doanh thu thì các bên phải cử ra một bên thực hiện hạch toán kế toán, xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế theo quy định. Như vậy, trong hợp đồng hợp tác giữa tài xế và hãng xe công nghệ phải cử ra một bên thực hiện nghĩa vụ hạch toán kế toán và kê khai nộp thuế.

Tuy nhiên, tài xế là cá nhân thì thực hiện nộp thuế khoán hoặc thuế theo phương pháp trực tiếp, trong khi đó hãng công nghệ thực hiện nộp thuế GTGT theo khấu trừ và thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai. Bên cạnh đó, cá nhân tài xế không thực hiện hạch toán kế toán và hóa đơn chứng từ nên họ không thể thực hiện khai thuế, tính thuế cho hợp đồng hợp tác kinh doanh này được. Vì vậy, hãng công nghệ phải thực hiện công việc này thay cho tài xế là hoàn toàn phù hợp với thực tế và với quy định của pháp luật.

"Nghị định 126 quy định hãng công nghệ phải thực hiện hạch toán, xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế cho toàn bộ doanh thu vận tải với thuế suất 10%, sau đó mới thực hiện phân chia cho tài xế theo tỷ lệ là phù hợp với quy định hiện hành và phù hợp với bản chất của giao dịch. Quy định này cũng nhằm đảm bảo đồng bộ về thuế GTGT đối với vận tải cho dù mô hình kinh doanh như thế nào và đảm bảo tính công bằng, minh bạch giữa các loại hình kinh tế cũng như quyền lợi của khách hàng khi được nhận hóa đơn”, ông Được nhấn mạnh.

Grab phải có trách nhiệm nộp 10% thuế GTGT

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, việc Grab tăng giá cước và phần trăm khấu trừ trên mỗi cuốc xe của tài xế cho thấy hành lang pháp lý để quản lý những doanh nghiệp như Grab vẫn còn nhiều lỗ hổng.

“Ở đây cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đó là phải xác định rõ loại hình kinh doanh của Grab là gì, từ đó áp dụng mức thuế cho phù hợp”, PGS. TS. Nguyễn Trọng Thịnh nói.

Về việc Grab cho rằng nghĩa vụ nộp 10% thuế VAT thuộc về các tài xế, PGS. TS. Nguyễn Trọng Thịnh khẳng định là không chính xác. Việc coi các tài xế chỉ là đối tác đã là sai. Các tài xế là người trực tiếp lao động, mang lại lợi nhuận cho Grab.

“Các tài xế phải được coi là người lao động và phải được đối xử như người lao động. Đúng ra, họ phải có hợp đồng lao động, được hưởng các chế độ theo Bộ luật Lao động. Đằng này lại coi họ là đối tác và bắt họ chịu toàn bộ 10% thuế GTGT là không được. Grab phải có trách nhiệm nộp 10% thuế GTGT như tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải khác”, PGS.TS. Nguyễn Trọng Thịnh khẳng định./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại