Grab tăng giá cước, tăng chiết khấu nhiều lái xe bức xúc
Từ đầu tháng 12, Grab thực hiện việc tăng giá với hầu hết dịch vụ vận chuyển, đồng thời áp dụng mức chiết khấu cao hơn với đối tác tài xế công nghệ.
Từ ngày 1/12, Grab thực hiện việc điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Các dịch vụ xe hai bánh của Grab gồm GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood cũng được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 12. Theo đó, mức giá cho 2km đầu vẫn giữ nguyên 12.000 đồng, nhưng giá tính trên mỗi km tiếp theo tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng ở các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Mức tăng tại một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng.
Giá cước của dịch vụ GrabFood tăng thêm 3000 đồng,từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/3km đầu và giữ nguyên mức giá 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Động thái tăng giá cước hàng loạt dịch vụ của Grab đưa ra sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ tài xế công nghệ sẽ thay đổi. Grab phải kê khai và nộp 10% VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe, thay vì tài xế đóng 3% VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% VAT trên phần chiết khấu thu về như trước.
Để “đối phó” với Nghị định 126/2020/NĐ-CP, ngoài việc tăng giá cước, Grab cũng thay đổi phần chiết khấu với các đối tác. Trước đây, tài xế công nghệ nộp 20% phí sử dụng ứng dụng và nhận về 80% doanh thu mỗi chuyến xe. Những tài xế có doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng phải nộp thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuy vậy từ đầu tháng 12, GrabBike nâng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe lên 27,3%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% (không đổi) và cộng với VAT. Tỷ lệ chiết khấu tài xế GrabCar cũng tăng, từ 28,4% lên 32,8%.
Phản đối việc nâng tỷ lệ chiết khấu của Grab, hàng trăm tài xế GrabBike cùng tắt ứng dụng, tụ tập ở văn phòng của công ty ở Hà Nội tại phố Duy Tân, Cầu Giấy từ cuối giờ sáng 7/12. Nhiều người lo ngại động thái này của Grab làm giảm thu nhập trong điều kiện kinh tế khó khăn vì dịch bệnh. Ngoài ra, việc tăng giá cước không đủ bù đắp khoản giảm sút thu nhập mà còn khiến khách hàng ít đi, càng gây khó khăn trong công việc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận