Grab “bật” Tổng cục Thuế và kiên quyết không giảm chiết khấu của tài xế
Những động thái mới nhất của Grab cho thấy DN này đang phớt lờ tất cả để tiếp tục giữ quan điểm không giảm chiết khấu của tài xế.
Sáng 10/12, Ban Giám đốc Grab đã có buổi đối thoại trực tuyến với tài xế về việc thực hiện Nghị định 126/2020. Buổi làm việc đã khiến tất cả tài xế phải thất vọng khi Grab tuyên bố giữ nguyên tỷ lệ khấu trừ.
Đổ lỗi cho Nghị định 126/2020
Trong buổi đối thoại này, Tổng Giám đốc Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân ngầm ý đổ lỗi cho Nghị định 126/2020 là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mà bà gọi là “rất đáng tiếc”.
Cụ thể, bà Nguyễn Thái Hải Vân cho biết, 2020 là năm cực kỳ khó khăn bởi ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Điều này khiến cả các tài xế và Grab đều bị thiệt hại. Chính bởi thế, đáng ra mùa cuối năm phải là thời điểm để Grab xây dựng thị trường và phục hồi kinh tế lại phải theo đuổi Nghị định 126/2020. Còn tài xế đã phải... bỏ công bỏ việc để bày tỏ ý kiến trong những ngày qua.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân khẳng định, tầm quan trọng của tài xế khi nói rằng “Grab không có hôm nay nếu không có sự đồng hành không biết mệt mỏi từ phía đối tác tài xế” đồng thời cho rằng “Grab và các đối tác tài xế ngồi chung một con thuyền”.
Về phía các tài xế, đại diện tài xế Grabbike đưa ra đề nghị Grab không được cộng dồn thuế VAT vào phần trăm khấu trừ hơn 27,2% và bày tỏ mong muốn được giữ chi phí sử dụng ứng dụng không đổi 20%. “Chúng tôi chỉ có thể giúp Grab thu hộ 10% VAT từ khách hàng, phần đó không ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi” - đại diện tài xế Grabbike nói.
Kết thúc buổi đối thoại kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, dù vẫn luôn khẳng định mối quan hệ “ngồi chung trên con thuyền” với các tài xế nhưng lãnh đạo Grab vẫn khăng khăng giữ nguyên tỷ lệ khấu trừ hơn 27,2% (áp dụng từ 5/12) với tài xế GrabBike trên mỗi chuyến xe.
Bà Vân khẳng định Grab vẫn tiếp tục tuân thủ Nghị định 126/2020, bởi hoạt động theo pháp luật Việt Nam và sẽ chỉ hoàn trả VAT cho tài xế nếu cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn chính thức, điều chỉnh hợp lý hơn.
Đại diện Grab cũng không quên đổ lỗi cho Nghị định 126/2020 khi cho rằng chính nghị định này đang còn một số vấn đề chưa phù hợp, bất cập ảnh hưởng tới thu nhập của tài xế.
Tổng cục Thuế yêu cầu Grab điều chỉnh cơ cấu giá...
Trước đó, chiều 9/12, Tổng cục Thuế Việt Nam đã phát đi thông cáo về nội dung buổi làm việc với Grab diễn ra cùng ngày. Trong buổi làm việc này, Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình khi cho rằng Nghị định 126/2020 khiến tăng giá cước và chiết khấu.
Thông cáo của Tổng cục Thuế cho biết, trong buổi làm việc, Grab chưa chứng minh được lý do tăng giá cước, chiết khấu là do Nghị định 126/2020 mà DN này từng thông tin trên một số cơ quan báo chí, truyền thông trước đó.
Về phía Tổng cục Thuế, trong buổi làm việc với Grab, Tổng cục Thuế đã giải thích rõ Nghị định 126/2020 quy định nghĩa vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác này. Tổng cục Thuế cũng đưa ra quan điểm Grab hoạt động kinh doanh vận tải nên doanh nghiệp phải khai thuế giá trị gia tăng với mức thuế 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào theo quy định.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, Nghị định 126/2020 không làm tăng giá cước vận tải vì mức thuế giá trị gia tăng vẫn áp dụng 10% như từ trước đến nay. Còn đối với tài xế, lái xe chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân mức 1,5% nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, không phải nộp thuế giá trị gia tăng mức 3% như trước đây nữa.
Chính vì thế, Tổng cục Thuế yêu cầu Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.
Grab “bật” Tổng cục Thuế thẳng tưng
Tuy nhiên, không lâu sau khi thông cáo của Tổng cục Thuế phát đi, trong buổi tối muộn 9/12, Grab cũng phát đi thông cáo về buổi làm việc với Tổng cục Thuế. Trong thông cáo, Grab bày tỏ quan điểm “hết sức thất vọng bởi kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào" và cho rằng Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế giá trị gia tăng.
“Chúng tôi rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%, dù biết rằng các đối tác tài xế này không có khả năng khấu trừ giá trị gia tăng đầu vào, nhưng Tổng cục Thuế không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán" - trích thông cáo của Grab Việt Nam.
Grab cũng bác bỏ quan điểm của Tổng cục Thuế về việc tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu thuế giá trị gia tăng cho khoản doanh thu của mình và cho rằng, quan điểm trên là do Tổng cục Thuế... tự khẳng định như vậy.
Để bảo vệ quan điểm của mình, Grab dẫn giải Công văn 384 do Tổng cục Thuế ban hành vào năm 2017. Trong văn bản trên, Tổng cục Thuế hướng dẫn khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể, trong đó phần doanh thu của Grab phải chịu thuế giá trị gia tăng 10%, còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu mức thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.
Theo Grab, với Văn bản 384, Tổng cục Thuế đã phân loại tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là người nộp thuế theo điều 4 Luật thuế giá trị gia tăng. Từ đó, soi chiếu với Nghị định 126/2020, Grab cho rằng nghị định này chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế; còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế giá trị gia tăng phải căn cứ vào Luật thuế giá trị gia tăng.
“Chúng tôi rất quan ngại rằng cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc Công ty Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật Thuế giá trị gia tăng” - Grab khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận