Google cân nhắc mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và câu chuyện hút FDI
Google cân nhắc thiết lập một trung tâm dữ liệu “siêu lớn” gần TP HCM. Các cuộc đàm phán nội bộ đang diễn ra và trung tâm dữ liệu có thể sẵn sàng vào năm 2027.
Mới đây, nguồn tin của Reuters cho biết Google đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn tại Việt Nam. Nếu đúng như vậy, thì đây sẽ là “cú hích” cho Việt Nam.
Nếu dự án này được thông qua, đây sẽ là trung tâm siêu dữ liệu đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam.
Bởi, từ trước đến nay Việt Nam chưa thu hút được nguồn vốn lớn từ Big Tech Mỹ vào các trung tâm dữ liệu do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, và các công ty công nghệ lớn thích đặt trung tâm dữ liệu của họ tại một số quốc gia trong khu vực.
Vẫn theo nguồn tin trên, động thái của Google xuất phát từ số lượng lớn khách hàng tại Việt Nam cũng như nền kinh tế số đang phát triển ở Việt Nam.
Đồng thời lưu ý, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của YouTube, nền tảng chia sẻ video trực tuyến phổ biến của Google.
Theo báo cáo thị trường nội bộ của một khu công nghiệp tại Việt Nam mà Reuters có được, hiện tại các nhà điều hành trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Việt Nam là IDC Becamex và VNPT, cả hai đều là các doanh nghiệp nhà nước. Công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba cũng đang cân nhắc việc xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Bình luận về vấn đề này, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá đây là tín hiệu rất tích cực đối với Việt Nam.
Vì, trước đó Apple cũng đã công bố hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nghìn vào Việt Nam, đến năm 2025 Apple sẽ chuyển 65% sản phẩm AirPod, 20% iPad, 20% Apple Watch và 5% Macbook sang Việt Nam.
Còn Intel thì đang mở rộng giai đoạn thứ hai của nhà máy kiểm định vi mạch tại TP HCM với tổng số tiền đầu tư lên tới 4 tỷ USD tới năm 2025.
Các công ty Mỹ như Boeing, Google và Walmart trước đó cũng đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
“Đặc biệt, Việt Nam và Mỹ đã có một bản tuyên bố đầy đủ, trong đó công nhận thể chế chính trị Việt Nam. Điều này tạo cho chúng ta cơ hội thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả và chất lượng cao hơn”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói.
Vẫn theo GS. TSKH Nguyễn Mại, hiện nay Việt Nam đang có hàng chục dự án về công nghệ cao, công nghệ tương lai như AI, big data, đặc biệt là đất hiếm và bán dẫn.
Trong khu vực Đông Nam Á, các trung tâm dữ liệu của Google đã được xây dựng tại Singapore, Malaysia và Thái Lan.
“Do đó, chúng ta hy vọng, năm 2024 sẽ là năm chất lượng và hiệu quả đầu tư nước ngoài sẽ tăng cao, để mở ra triển vọng cho năm 2025-2030 có dòng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam với chất lượng và hiệu quả khác biệt”, GS. TSKH Nguyễn Mại bày tỏ.
Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, việc xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030 đều rất trúng và đúng trong tiến trình thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Để thu hút các tập đoàn lớn của Mỹ như Google đến Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng các nhà đầu tư đang trông chờ chính sách của Việt Nam để quyết định phương án đầu tư.
Đơn cử, những lĩnh vực đầu tư mới về công nghệ vẫn còn khá mới của Việt Nam. Vậy, Việt Nam đã sẵn sàng cởi mở với những mô hình kinh doanh, đầu tư mới, ngành công nghệ mới, hay vẫn dùng cách thức quản lý cũ cho các hoạt động đầu tư mới? Đây cũng là dư địa tạo ra môi trường khuyến khích doanh nghiệp mới vào đầu tư, tạo ra sự lan tỏa với các doanh nghiệp trong nước.
“Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng còn một số rào cản của môi trường kinh doanh khi gia nhập thị trường Việt Nam. Như vậy, đây là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại thể chế, đánh giá lại dư địa cải cách để có thể thu hút được các nhà đầu tư trong những lĩnh vực mới”, bà Thảo bày tỏ.
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) chia sẻ, người Mỹ rất thực dụng và chuyên nghiệp nên họ thích cách làm ăn bài bản, chuyên nghiệp, hiện đại, không thích kinh doanh kiểu "đánh quả".
“Để vào một thị trường nào, họ phải nghiên cứu, xây dựng chiến lược dài hơi. Họ sẽ đầu tư chỉ khi nào thực sự yên tâm với đồng tiền bỏ ra”, ông Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Lương Nguyên cũng đồng tình với quan điểm cần cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nhiều hơn đầu tư từ Mỹ. Điều này sẽ giúp quan hệ kinh tế, thương mại hai nước thêm cân bằng, bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận