Gom mua thực phẩm ở TP HCM: Sức mua rau củ, thịt cá trên Tiki, Lazada... tăng “chóng mặt“
Từ trưa 6/7 đến sáng 7/7, các hệ thống siêu thị TP.HCM ghi nhận lượng khách gom mua trực tiếp và đặt hàng online tăng đột biến từ 300 - 600%, sau khi nhiều người hạn chế đến chợ để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, thống kê của Saigon Co.op cho thấy lượng khách dồn đến các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và số lượng đơn hàng online tăng gấp 5 lần suốt từ trưa 6/7 đến sáng 7/7.
Tương tự, tại các chuỗi cửa hàng VinMart, VinMart+, lượng khách đến mua sắm ngày 6/7 tăng 20%, riêng đơn hàng online tăng hơn 50%. Nhiều kệ hàng trống trơn nên sáng 7/7, siêu thị phải cấp tốc bổ sung hàng hóa.
Đại diện MM Mega Market cho báo giới biết, lượng khách đến 4 siêu thị của chuỗi này ở TP.HCM tăng 50%, thậm chí đơn hàng online tăng 15 lần trong 2 ngày nay. Trong đó, nhu cầu hàng tươi sống như thịt, cá tăng 3-4 lần nên đang bị thiếu hụt. Hiện doanh nghiệp tổ chức điều động hàng từ các siêu thị ở địa phương khác về TP.HCM.
Trên sàn thương mại điện tử Tiki, sức mua rau củ quả, thịt cá, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn và bơ, trứng sữa cũng tăng “chóng mặt”. Khách hàng chỉ cần click vào mục "đi chợ siêu sale", hàng hóa ngay lập tức sẽ hiện hiện ra. Số lượng hàng hóa, thương hiệu cũng dồi dào hơn trước.
Cùng với đó, trên sàn Lazada, Shopee, thực phẩm tươi sống, trái cây và nhóm hàng thiết yếu những ngày này cũng xuất hiện với tần suất nhiều hơn khi khách truy cập trên ứng dụng lẫn máy tính. Khách hàng có nhu cầu chọn mua sản phẩm nào, chỉ việc chọn hết một lần rồi thanh toán, chờ nhận hàng.
Theo đại diện Lazada, riêng tháng 6, số lượng người mua và sức mua mỗi ngày ở ngành hàng tươi sống đều tăng gần 70%. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trải dài khắp các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều. Cuối tháng 5 và suốt tháng 6, sàn này bán được hơn 12 tấn thịt gà, 7 tấn thịt heo và 6 tấn trái cây.
Còn Tiki, chỉ trong vài ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách xã hội, mức độ tăng trưởng toàn sàn đã đến 30%. Đáng chú ý, sàn này ghi nhận ngoài nhóm hàng FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), người mua cũng quan tâm hơn đến các ngành hàng khác trong thời gian giãn cách như nhà cửa và đời sống, mẹ và bé, dụng cụ thể thao…
Tính đến sáng 7/7, TP.HCM có 125/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do liên quan ca nhiễm COVID-19, trong đó có cả 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo nguồn hàng thông suốt từ các tỉnh, Sở Công Thương TP.HCM đã gửi văn bản đến 22 Sở Công Thương các tỉnh khác đề nghị hướng dẫn các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối của TP.HCM tổ chức giao dịch trực tuyến và đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Đồng thời, thành phố quyết định dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP.Thủ Đức và quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa. Cùng với đó, Sở Công Thương chỉ đạo các hệ thống siêu thị tăng cường lượng hàng hóa từ 50-100%.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, các kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn hoàn toàn bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, phương thức bán hàng online đang được đẩy mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận