Goldman Sachs đàm phán nộp phạt 2 tỷ USD liên quan vụ bê bối tại 1MDB
Thỏa thuận có thể bao gồm việc theo dõi độc lập nhằm giám sát quá trình chấp hành hình phạt và các biện pháp khắc phục.
Tạp chí Wall Street ngày 19/12 cho biết, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đang đàm phán với cơ quan chức năng Mỹ nhằm giải quyết vụ bê bối liên quan tới Quỹ phát triển Một Malaysia (1MDB), theo đó nhiều khả năng chi nhánh châu Á của ngân hàng này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Nội dung thỏa thuận bao gồm khoản tiền phạt lên tới 2 tỷ USD. Thỏa thuận có thể bao gồm việc theo dõi độc lập nhằm giám sát quá trình chấp hành hình phạt và các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, các nội dung đàm phán chưa được công bố do đây là cuộc đàm phán kín.
Trước đó, ngày 6/12, Bloomberg đã tiết lộ, trong một vài tuần gần đây, các cơ quan Liên bang của Mỹ đã tiến hành xem xét kỹ vụ việc và đang cân nhắc biện pháp phạt phù hợp, với số tiền phạt khoảng 1,5-2 tỷ USD. Khoản tiền phạt này được cho là thấp hơn so dự đoán của giới phân tích.
Thực tế, các ngân hàng thường buộc các chi nhánh thừa nhận sai phạm để không gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty mẹ.
Cả người phát ngôn của Goldman Sachs và luật sư Richard Donoghue, Công tố viên tại Brooklyn (New York) chưa đưa ra bình luận về thỏa thuận trên.
Goldman Sachs cũng đang đàm phán riêng với Chính phủ Malaysia về thỏa thuận bồi thường. Trong các cuộc thảo luận gần đây, phía Malaysia đã chủ động giảm số tiền muốn thu hồi so với con số được công khai là 7,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, Goldman Sachs hiện vẫn đang nỗ lực giảm số tiền bồi thường, với lập luận rằng hành vi vi phạm được thực hiện bởi một nhân viên chuyên lừa đảo và tập đoàn này đã không nhận thức được vụ việc này sớm.
Vụ bê bối liên quan tới 1MDB đã khiến uy tín và danh tiếng của Goldman Sachs giảm sút đáng kể trong những năm gần đây.
Quỹ 1MDB do cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Các quan chức cấp cao của quỹ 1MDB và những người liên đới bị cho là đã "rút ruột" 4,5 tỷ USD từ quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước này trong giai đoạn 2009-2015.
Nhiều quan chức tại Malaysia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nhân sự cấp cao tại Goldman Sachs cũng như ngân hàng Deutsche Bank của Đức đã bị bắt giữ trong hàng loạt vụ điều tra liên quan.
Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng Mỹ, tiền biển thủ từ 1MDB được dùng đề mua các tài sản xa xỉ như máy bay riêng, du thuyền, dinh thự, kim cương, và thậm chí rót vào hoạt động sản xuất phim ở Hollywood cũng như cổ phần trong nhiều công ty tư nhân./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận