24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Đức Phòng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Golden Gate – sở hữu hàng loạt chuỗi F&B từng được định giá gần 2 triệu đồng/cp có gì?

Năm nay, đơn vị lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 6.878 tỷ đồng, tăng 107,3% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế là 375 tỷ đồng.

Golden Gate (CTCP Thương Mại Dịch Vụ Cổng Vàng) được sáng lập năm 2005 bởi 3 doanh nhân là ông Đào Thế Vinh, ông Nguyễn Xuân Tường và ông Trần Việt Trung. Golden Gate là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính, bao gồm lẩu, nướng, món Á, món Âu và cà phê. Khởi đầu với thương hiệu lẩu nấm Ashima, đến nay Golden Gate sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như lẩu băng chuyền Kichi Kichi (lẩu tự chọn giá rẻ cho khách hàng trẻ), nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), nướng (Gogi House, Sumo BBQ), pizza cho giới trẻ (Cowboy Jack's), chuỗi nhà hàng bia (Vuvuzela, Citybeer Station)...

Theo chia sẻ của ông Đào Thế Vinh với tạp chí Forbes Việt Nam, với năm phong cách ẩm thực chủ đạo, Golden Gate sở hữu tập khách hàng đa dạng từ giới trẻ, gia đình nhiều thế hệ tới nam giới, khách du lịch nước ngoài. Ông Vinh đánh giá Kichi Kichi thành công nhất về quy mô, Gogi House thành công nhất về tài chính, Manwah là phong cách ẩm thực phát triển rất nhanh, còn iSushi cho phép thưởng thức ẩm thực Nhật Bản với giá bình dân.

Trên thị trường ẩm thực chuỗi nhà hàng lẩu nướng, đối thủ của Golden Gate là công ty Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt trời đỏ (Redsun ITI). Redsun hiện cũng có hơn chục thương hiệu ẩm thực, với một số cái tên không kém cạnh Golden Gate như Seoul Garden, ThaiExpress, King BBQ, Sushi Kei hay Hotpot Story. Hai thương hiệu lớn trong ngành F&B này đều hướng tới đối tượng khách hàng có mức thu nhập từ trung bình trở lên, sẵn sàng chi trả khoảng 200.000 đồng/người/bữa ăn.

vuvu-1662534384.jpg data-natural-width640

Hình ảnh quán Vuvuzela - chuỗi beer club nổi tiếng của Golden Gate.

Cơ cấu cổ đông biến động trong nửa đầu năm 2022

-4673-1662918886.png data-natural-width549

6 tháng đầu năm nay, một số lãnh đạo chủ chốt của Golden Gate đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần so với thời điểm đầu năm. Chủ tịch HĐQT Trần Việt Trung giảm sở hữu từ 4,43% về 2,28%, Thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Trường giảm từ 3,98% còn 3,05%. Trong khi đó Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đào Thế Vinh tiếp tục là cổ đông lớn và tăng tỷ lệ sở hữu từ 5,11% lên 5,2% vốn.

Trong khi đó, Golden Gate Partners vẫn là cổ đông lớn nhất với khoảng 3,4 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ sở hữu vốn chiếm 43,79%. CTCP Golden Gate Partners thành lập từ tháng 6/2014, hiện do ông Trần Việt Trung đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Không chỉ vậy, từ tháng 3, cơ cấu cổ đông Golden Gate còn có sự thay đổi khi xuất hiện nhóm cổ đông từ Singapore là Temasek, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd. sau khi nhận chuyển nhượng gần 36% vốn Golden Gate từ một nhóm cổ đông hiện hữu. Cụ thể, Seletar Investments Pte Ltd (trực thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings trực thuộc Chính phủ Singapore) mua hơn 1,5 triệu cổ phần. Tiếp đến là Seatown Private Capital Master Fund mua 768.431 cổ phần và Periwinkle Pte Ltd. mua 436.358 cổ phần.

Về bên chuyển nhượng, tổ chức Prosperity Food Concepts Pte Ltd - cổ đông có 2 người nội bộ là thành viên HĐQT Thomas Lanyi và Rodrigues Carl Peter (miễn nhiệm ngày 15/3), thoái toàn bộ 2,5 triệu cổ phần tương đương 32,9% vốn. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Trần Việt Trung bán 161.871 cổ phần (2,12% vốn) trong tổng số 337.891 cổ phần. Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Tường bán 69.373 cổ phần (0,9% vốn) trong tổng số 304.115 cổ phần.

Cũng trong nửa đầu năm, bên cạnh việc giảm sở hữu cổ phần công ty, ông Trung cũng cho Golden Gate vay hơn 87 tỷ đồng và thu về khoản lãi gần 2,9 tỷ đồng.

Mục tiêu lãi 375 tỷ đồng sau lần đầu lỗ kể từ khi thành lập

Về hoạt động kinh doanh năm nay, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.878 tỷ đồng, tăng 107,3% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế là 375 tỷ đồng sau khi công ty có thêm sự tham gia của nhóm cổ đông từ Singapore. Doanh nghiệp năm nay sẽ tập trung vào 5 mục tiêu chính, bao gồm mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc, khai thác thế mạnh của các thương hiệu mũi nhọn, phát triển các thương hiệu mới, phát triển các mảng kinh doanh mới như đồ ăn đông lạnh, đồ ăn giao hàng, và tối ưu hiệu quả hoạt động của nhà hàng để tăng khả năng sinh lời và cải thiện biên lợi nhuận trên từng nhà hàng.

screenshot-2022-09-07-135804-1662533912. data-natural-width640

Đơn vị: Tỷ đồng.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Golden Gate duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số. Năm 2019 chuỗi đạt lợi nhuận sau thuế cao kỷ với mức 321 tỷ đồng. Song khi dịch bệnh bắt đầu bùng nổ năm 2020, đơn vị vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới nhà hàng với quy mô trên 380 nhà hàng tại hơn 40 tỉnh thành. Song kết quả kinh doanh đã bắt đầu ghi nhận đà giảm với doanh thu giảm 4,5% so với năm trước đó, còn 4.559 tỷ đồng. Giá vốn gần như không giảm trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 65 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 80% so với năm 2019 thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát.

Sang đến năm 2021, Golden Gate mở mới 44 nhà hàng và đóng cửa và chuyển đổi 37 nhà hàng. Song đơn vị phải đóng cửa 1/3 thời gian hoạt động do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Doanh thu tiếp tục giảm mạnh về còn 3.320 tỷ đồng, tương đương mức giảm 27%. Các chi phí đều ở mức cao, với riêng chi phí bán hàng là 2.049,7 tỷ đồng, chỉ giảm 11,5% so với cùng kỳ, cao hơn lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. Kết quả, sau khi trừ các loại chi phí, đơn vị lỗ ròng gần 431 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 66 tỷ đồng, và cũng là năm duy nhất thua lỗ kể từ khi thành lập.

Về tài sản, tại thời điểm cuối năm ngoái, đơn vị đã cắt giảm 87% khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, là các khoản tiền gửi bằng VND tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 9 đến 12 tháng và hưởng lãi suất từ 4%-5%/năm, từ 207 tỷ đồng xuống 27 tỷ đồng. Ngược lại, đơn vị gia tăng 93% lượng tiền và các khoản tương đương tiền chủ yếu với tiền gửi ngân hàng tăng từ 160,3 tỷ đồng lên 281,7 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn của Golden Gate đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Tính tới cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu là 748,5 tỷ đồng, giảm 36,2% so với mức gần 1.173 tỷ đồng của một năm trước đó; phần lớn do khoản lỗ trong năm. Vốn cổ phần giữ nguyên ở mức 76,3 tỷ đồng.

Nợ vay tài chính là 1.075,7 tỷ đồng, tăng hơn 138%. Vay ngắn hạn tại các ngân hàng tăng hơn 17% lên 529,6 tỷ đồng. Đơn vị phát sinh hơn 546 tỷ đồng vay dài hạn, trong đó 57,5 tỷ đồng là vay dài hạn tại VietinBank với lãi suất 7,5%/năm và 488,6 tỷ đồng còn lại là trái phiếu.

Trước đó, doanh nghiệp đã phân phối thành công 4.937 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu trong tổng số 7.000 trái phiếu được phát hành riêng lẻ ngày 6/9/2021. huy động vốn thực hiện các chương trình dự án mở rộng quy mô của công ty, tăng quy mô vốn hoạt động. Trái phiếu có lãi suất 11,5%/năm, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn vào 6/9/2024. Hình thức đảm bảo của số trái phiếu này là 573.372 cổ phần của công ty được nắm giữ bởi CTCP Golden Gate Partners.

Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần Golden Gate là gần 2 triệu đồng/cp. Theo đó giá trị tài sản đảm bảo ban đầu được xác định là hơn 1.120 tỷ đồng, tương đương 160% tổng tài khoản gốc của trái phiếu.

Bên nhận đảm bảo là công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam. Mô tả tài sản đảm bảo cho biết cổ phần Golden Gate không phải là chứng khoán đã được đăng ký tập trung tại Trung tâm lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Số cổ phần mang đi làm tài sản đảm bảo chiếm 7,51% vốn điều lệ.

screen-shot-2022-09-07-at-01-07-00-16625 data-natural-width640

Kế hoạch giảm vốn điều lệ

Tại ngày 2/6 năm nay, Golden Gate đã cập nhật giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 65, với mức vốn điều lệ hơn 77,08 tỷ đồng. Đây là mức vốn điều lệ trước khi công ty mua lại một số cổ phiếu ESOP.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm nay tổ chức vào tháng 6, Golden Gate cho biết HĐQT đã thông qua việc giảm vốn điều lệ vào tháng 5/2021 do công ty mua lại 3.006 cổ phiếu ESOP của người lao động nghỉ việc từ 1/1/2021 đến 20/5/2021. Tuy vậy việc giảm vốn chưa thực hiện xong do công ty chờ hoàn tất thủ tục tăng vốn do phát hành cổ phiếu ESOP năm 2020. Công ty sẽ thực hiện giảm vốn cho số cổ phần này vào năm nay. Tính chung cả số lao động nghỉ việc việc từ 1/1/2021 đến 3/6/2022, đơn vị sẽ mua lại tổng cộng 15.440 cổ phiếu ESOP để giảm vốn điều lệ từ 77,08 tỷ đồng xuống 76,93 tỷ đồng.

Gần đây, ngày 20/7 Golden Gate vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt hành chính tổng 435 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể, UBCKNN phạt Golden Gate 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định. Doanh nghiệp này phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ trong năm 2021 nhưng không báo cáo UBCKNN.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả