Gợi ý 10 mã cổ phiếu năng lượng xanh tiềm năng trong tháng 10
CTCK Shinhan (SSV) cho biết, tại COP26, Việt Nam đã cam kết đưa ra mục tiêu trung hòa carbon bằng 0 trước 2050. Dựa vào định hướng đó, nguồn năng lượng xanh sẽ được ưu tiên thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên chóng mặt của Việt Nam. Trước bối cảnh đó, SSV ra mắt danh mục đầu tư “Going Green” với những mã cổ phiếu năng lượng xanh.
Danh mục cổ phiếu năng lượng xanh được SSV lựa chọn với những tiêu chí: Doanh thu từ ngành phụ trợ, sản xuất năng lượng xanh đóng góp chủ đạo trong doanh thu của doanh nghiệp, Các yếu tố cơ bản vững mạnh, ban lãnh đạo nhiệt huyết, minh bạch và hiệu quả, Tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Mã CK: VSH, giá mục tiêu 47.500 đồng/cp)
Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh là một trong những công ty sở hữu những nhà máy thủy điện (NMTĐ) có công suất thiết kế lớn nhất (356 MW) niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. VSH hiện tại đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn và mảng kinh doanh cốt lõi còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đưa (NMTĐ TKT) sản lượng điện tăng vọt. Sản lượng điện của VSH dự kiến sẽ tăng trưởng vượt trội trong năm nay nhờ vào NMTĐ TKT đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 4 năm 2021. Trong năm 2022, SSV kỳ vọng sản lượng điện của VSH sẽ vượt qua kỷ lục 1,771 triệu Kwh của năm trước nhờ vào sự đóng góp của NMTĐ TKT.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa trên thế giới liên tiếp leo dốc, nhóm thủy điện được hưởng lợi lớn nhất khi có giá thành sản xuất thấp và thân thiện môi trường. Đồng thời, hiện tượng La Nina dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm đem về lượng nước dồi dào cho các NMTĐ. Trong khi điện mặt trời và điện gió phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Điện khí và nhiệt điện gặp nhiều khó khăn khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Do vậy, nguồn điện đến từ các NMTĐ dự kiến sẽ được EVN tiếp tục ưu tiên huy động trong năm nay.
Rủi ro: (1) Rủi ro động đất gần nhà máy TĐTKT; (2) Rủi ro El Nino khiến lượng nước giảm sút; (3) Giá nguyên vật liệu đầu vào của đối thủ cạnh tranh giảm sút.
Công ty CP Cơ Điện lạnh (Mã CK: REE, giá mục tiêu 89.467 đồng/cp)
REE là công ty hoạt động trong ba lĩnh vực chính: M&E (Cơ điện lạnh), năng lượng và cho thuê văn phòng. Ngoài ra, REE còn hoạt động trong lĩnh vực nước và bất động sản (BĐS ).
Ở mảng năng lượng, REE sở hữu các nhà máy với công suất thiết kế lên tới 978 MW. Trong đó 697 MW đến từ năng lượng tái tạo gồm: điện gió, điện mặt trời và thủy điện. Đây là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất với 46% trong năm 2021. Đáng chú ý , mảng thủy điện tăng trưởng vượt trội trong năm qua nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của VSH. Ngoài ra, các dự án điện gió của REE đã đi vào hoạt động ổn định góp phần đưa lợi nhuận mảng điện đóng góp tới 70% lợi nhuận ròng của cả tập đoàn trong 1H2022 tăng mạnh từ mức 53% cùng kỳ. Theo định hướng hiện tại, trong thời gian tới REE dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng các dự án điện tái tạo.
Mảng cho thuê bất động sản, REE sở hữu hơn 150,000 m2 diện tích mặt sàn cho thuê. Dự án Etown 6 với 40,000 m 2 diện tích mặt sàn cho thuê dự kiến sẽ vận hành thương mại vào cuối 2023 hứa hẹn sẽ thúc đẩy doanh thu mảng cho thuê văn phòng khi tỷ lệ lấp đầy của các dự án Etown luôn trên 90%.
Rủi ro: (1) Rủi ro động đất gần NMTĐ TKT; (2) Rủi ro El Nino khiến sản lượng của nhóm thủy điện giảm sút; (3) Doanh thu từ mảng M&E phục hồi chậm hơn kỳ vọng; (4) Tiến độ dự án bất động sản chậm hơn dự kiến.
Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Mã CK: HDG, giá mục tiêu 59.915 đồng/cp)
HDG tiền thân là một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng vốn đã có danh tiếng trong lĩnh vực bất động sản với quỹ đất giàu tiềm năng. Trong những năm gần đây, HDG đã mở rộng kinh doanh qua mảng năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt của các nhà máy đạt 444 MW . HDG được biết đến là một trong những chủ đầu tư có hiệu quả cao trong ngành năng lượng.
Trong năm 2021, hai nhà máy thủy điện mới là Sông Tranh 4 (50MW ) và Dak Mi2 (147 MW ) được đưa vào hoạt động đẩy công suất thiết kế của HDG lên gần gấp đôi. Trong khi đó, nhóm năng lượng tái tạo có cú hích mới từ nhà máy điện gió 7A (50MW ) được đưa vào hoạt động cuối năm 2021.
Doanh thu từ mảng năng lượng của HDG đóng góp lần lượt 33% doanh thu và 40% vào lợi nhuận ròng của HDG trong năm 2021. Trong 1H2022, doanh thu HDG đi lùi 10% nhưng lợi nhuận ròng của HDG tăng mạnh 51% nhờ vào sự đóng góp chính từ mảng năng lượng (biên lãi ròng 67%) với 58% lợi nhuận ròng.
Với tầm nhìn dài hạn, HDG cho biết rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò chủ đạo trong định hướng phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng. Trong thời gian tới, HDG đang có kế hoạch triển khai 4 dự án điện gió với tổng công suất lên tới 140 MW .
Rủi ro: (1) Rủi ro động đất ở khu vực sông Tranh; (2) Rủi ro El Nino khiến sản lượng của nhóm thủy điện giảm sút; (3) Bàn giao và mở bán các dự án bất động sản chậm hơn dự kiến (4) Lãi suất vay mua nhà tăng cao.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (Mã CK: POW, giá mục tiêu 17.660 đồng/cp)
POW là công ty sản xuất điện có tổng công suất thiết kế 4,208 MW lớn thứ hai tại Việt Nam đứng sau EVN. Nổi bật nhất của POW là các nhà máy điện khí Cà Mau & Nhơn Trạch 1&2 (tổng 2.700 MW). Ngoài ra, các nhà máy thủy điện như Hủa Na và ĐakĐrinh cũng đóng góp không ít vào sản lượng điện của POW.
Nhà máy điện than Vũng Áng 1 (1.200 MW ) dự kiến sẽ chạy 100% công suất trở lại vào tháng 1 2 năm 2022 sau khi sửa chữa (hiện tại ở mức 50%) góp phần thúc đẩy sản lượng của POW. Ngoài ra, trong năm 2022, SSV tin rằng POW sẽ nhận được khoản bảo hiểm cho sự cố tại NMNĐ Vũng Áng 1 khoảng 300 tỷ.
Ngoài ra, POW còn sẽ tiến hành thoái vốn hai công ty EIC và Công ty CP Điện Việt Lào đem về trên 300 tỷ góp phần tài trợ nguồn lực cho dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 & 4.
Trong tương lai, động lực tăng trưởng dài hạn của POW sẽ đến từ hai nhà máy NT3 và NT4 với tổng công suất thiết kế 1500MW dự kiến vận hành thương mại từ 2024 và 2025. Trong ngành năng lượng, POW là một trong những doanh nghiệp có định hướng phát triển phù hợp nhất với quy hoạch điện VII trong giai đoạn 2022-2030 với lĩnh vực điện khí.
Rủi ro: (1) Rủi ro giá nguyên vật liệu đầu vào như than, khí tiếp tục neo cao; (2) Rủi ro đến từ việc sửa chữa nhà máy Vũng Áng 1; (3) NT3 & NT4 triển khai chậm hơn dự kiến.
Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã CK: NT2, giá mục tiêu 30.450 đồng/cp)
NT2 là một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực điện khí có quy mô lớn (750 MW ) và áp dụng những công nghệ có hiệu suất tốt nhất tại Việt Nam hiện tại. Nhà máy của NT2 nằm ở khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai trực tiếp cung cấp năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam với nhu cầu ổn định.
Một trong những điểm nổi bật nhất của NT2 đó chính là sức khỏe tài chính lành mạnh với mức chi trả cổ tức hấp dẫn được công ty duy trì nhiều năm liên tục. Ngoài ra, trong năm 2021, NT2 đã hoàn thành nghĩa vụ đối với các khoản vay dài hạn từ quý 2 năm 2021. Nhờ đó, kết quả kinh doanh của NT2 được cải thiện khi chi phí lãi vay giảm đi đáng kể. Dự kiến trong những năm tới khi áp lực nợ vay dài hạn không còn, NT2 sẽ tích cực chi trả cổ tức bằng tiền mặt nhằm hỗ trợ công ty mẹ là POW tài trợ hai đại dự án NT3 & NT4.
Ngoài ra, NT2 còn có khả năng sẽ được EVN đền bù tỷ giá khoảng 236 tỷ VND trong thời gian tới. Dự kiến NT2 sẽ hạch toán khoản đền bù này theo lộ trình hai năm.
Rủi ro: (1) Rủi ro giá khí tự nhiên neo cao; (2) Rủi ro về hiện tượng La Nina kéo dài; (3) Sản lượng bị các dạng năng lượng khác cạnh tranh gay gắt
Tổng Công ty khí Việt Nam - CTCP (Mã CK: GAS, giá mục tiêu 138.813 đồng/cp)
Tổng công ty khí Việt Nam là tập đoàn đầu ngành trong lĩnh vực khí tại Việt Nam với 100% thị phần khí khô, hơn 70% thị phần LPG (Liquefied Petrolium Gas ). Ngoài ra, GAS sở hữu 1.500km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí, 1 4 kho chứa LPG. Hiện tại, khí khô, LPG và condensate (khí ngưng tụ) là ba mảng kinh doanh chủ chốt của GAS .
GAS có dư địa tăng trưởng lớn với việc điện khí LNG đóng vai trò trụ cột trong hệ thống điện quốc gia theo quy hoạch điện VIII. Hiện tại, GAS là nhà nhập khẩu LNG (Liquefied Natural Gas ) lớn nhất đồng thời là nhà cung cấp có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.Trong giai đoạn 2022 đến 2035, GAS sẽ đầu tư 7 trên tổng 9 cảng LNG tại Việt Nam. Theo Wood Mackenzie, nhu cầu khí khô của Việt Nam có thể tăng 100% trước năm 2035 khi các nhà máy điện khí quy mô lớn như NT3 & NT4 đi vào hoạt động.
Ngoài ra, GAS là nhà đầu tư chính của đường ống dẫn khí của dự án Lô B Ô Môn được khởi động vào cuối năm 2022. Nguồn khí dồi dào từ dự án này sẽ đổ về từ năm 2026 với trữ lượng lên tới 107 tỷ m3, nguồn khí này sẽ đảm bảo khả năng tăng trưởng dài hạn của GAS .
Giá bán khí trung bình của GAS cải thiện nhờ vào diễn biến tích cực của giá dầu Brent. - Hiện tượng La Nina có thể kết thúc vào cuối năm nay vì vậy các doanh nghiệp điện khí có cơ hội được huy động cao hơn từ đó tạo lực cầu mạnh mẽ hơn đối với năng lượng khí.
Rủi ro: (1) Sản lượng khí khô sụt giảm; (2) Giá bán khí trung bình giảm sút. (3) Lô B Ô Môn đi vào hoạt động chậm hơn dự kiến.
Công ty CP CNG Việt Nam (Mã CK: CNG, giá mục tiêu 53.300 đồng/cp)
CNG là công ty con của Công ty CP Dầu khí Việt Nam, hiện tại CNG đang chiếm lĩnh 70% thị phần CNG (Compressed Natural Gas) toàn quốc. CNG là dạng năng lượng thân thiện với môi trường được chiết xuất từ khí tự nhiên được nhiều nhà sản xuất chú ý khi cần tìm một nguồn năng lượng thay thế những dạng năng lượng có phát thải carbon cao. Hiện tại, nhà máy khí nén của CNG đạt hơn 220 triệu Sm3/năm ở miền Nam và 110 triệu Sm3 ở miền Bắc.
CNG là một trong những công ty có mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường, sức khỏe tài chính lành mạnh đi kèm với đó là chính sách cổ tức dồi dào.
Ngoài ra, CNG cũng cho biết rằng họ đang tiến hành đa dạng hóa các mảng kinh doanh qua chiến thuật bước vào thị trường phân phối khí LNG cho GAS . Hiện tại, CNG đã hỗ trợ PV GAS vận hành trạm LNG Thị Vải và kho chứa LNG thương mại.
Rủi ro: (1) Rủi ro giá dầu; (2) Rủi ro giá khí thiên nhiên; (3) Nhà máy CNG tại miền Nam tiệm cận 100% công suất thiết kế.
Công ty CP Tập đoàn PC1 (Mã CK: PC1, giá mục tiêu 47.325 đồng/cp)
PC1 là một trong những công ty xây lắp điện có thâm niên lâu năm tại Việt Nam. Hiện tại, năng lượng tái tạo là một trong ba trụ cột chính của công ty đi cùng với xây lắp điện, bất động sản và khoáng sản.
Ở mảng kinh doanh truyền thống, với uy tín và chất lượng đã được kiểm chứng qua nhiều công trình khác nhau, PC1 liên tiếp nhận được những hợp đồng có giá trị cao. Trong thời gian tới, SSV tin rằng PC1 tiếp tục sẽ là cái tên được ưa chuộng khi nhu cầu của lĩnh vực xây lắp điện tái tạo vẫn còn rất lớn.
Ở mảng năng lượng tái tạo, ba nhà máy điện tại Quảng Trị với tổng công suất 144 MW đi vào hoạt động ổn định từ quý 4 năm 2021 đưa tổng công suất mảng năng lượng tái tạo lên 343 MW thúc đẩy lợi nhuận của PC1 khi biên lợi nhuận gộp của mảng điện trên mức 50%.
Ở mảng BĐS và Khoáng sản, mỏ Đồng - Niken tại Cao Bằng dự kiến được vận hành khai thác từ 2023 sẽ đóng góp doanh thu lớn cho PC1 trong bối cảnh chiến tranh khiến giá kim loại tăng mạnh. Ngoài ra, dự án bất động sản KCN Yên Phong II (PC1 sở hữu gián tiếp qua công ty con) đã hoàn thành thủ tục pháp lý.
Rủi ro: (1) Rủi ro pháp lý của các dự án; (2) Rủi ro đa dạng hóa; (3) Mảng xây lắp điện giảm tốc khi các dự án điện tái tạo chững lại; (4) Chi phí tài chính cao hơn dự kiến.
Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (Mã CK: TV2, giá mục tiêu 56/000 đồng/cp)
TV2 là công ty tư vấn điện lực hàng đầu Việt Nam, chuyên khảo sát, thiết kế và xây dựng các công trình đầu tư phát triển điện lực. TV2 luôn là đơn vị tư vấn điện hàng đầu cho EVN và các chủ đầu tư tư nhân (các dự án tiêu biểu như: Nhà máy điện Trị An, Cà Mau, Nhơn Trạch).
Mảng tư vấn thu về dòng tiền ổn định ~150 tỷ đồng/năm với tỷ suất lợi nhuận ~20%. Từ năm 2019, TV2 đã vận hành trung tâm vận hành công nghệ cao - các nhà máy điện từ, cung cấp các dịch vụ Vận hành và Bảo trì (O&M) cho các nhà máy điện tái tạo. Vào cuối năm 2020, dịch vụ O&M của TV2 đang vận hành các trang trại năng lượng mặt trời với công suất 1,500 MW , đạt doanh thu ổn định 200 tỷ đồng mỗi năm với tỷ suất lợi nhuận ~40%. Họ cũng đang tận dụng lợi thế từ nhu cầu điện lớn trong nước khi nguồn cung đang thiếu hụt.
TV2 đang đấu thầu cho các dự án tiềm năng (doanh thu dự kiến ~900 triệu USD) có tổng vốn đầu tư là 5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, chủ yếu gồm các dự án điện gió và LNG. Họ cũng đang đấu thầu một dự án nhiệt điện LNG khổng lồ (khu liên hợp Long Sơn giai đoạn 1 -1.3 tỷ USD) và nhà máy nhiệt điện than Quảng Trị (2 tỷ USD).
Rủi ro: (1) Rủi ro pháp lý của các dự án; (2) Rủi ro thanh khoản.
Công ty CP Điện Gia Lai (Mã CK: GEG, giá mục tiêu 25.200 đồng/cp)
GEG xuất phát điểm là một doanh nghiệp thủy điện đã dần chuyển đổi thành một trong những công ty trong ngành điện có công suất lắp đặt điện tái tạo lớn nhất. Các nhà máy điện của GEG đều được đặt ở những vị trí đắc địa phù hợp cho các loại hình điện tái tạo.
Hiện tại, GEG đã có 260MW điện mặt trời đi vào hoạt động ổn định cùng với 130 MW điện gió. Chưa dừng lại ở đó, nhà máy điện gió Tân Phú Đông (100 MW ) dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Dự kiến nhà máy này sẽ được hưởng lợi từ chính sách giá mới.
Các dự án mới như VPL Bến Tre 2 (30MW) và điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MW) đang được GE G nghiên cứu triển khai.
Rủi ro: (1) Rủi ro hiện tượng El Nino khiến thủy điện giảm sản lượng; (2) Rủi ro pháp lý đối với các dự án chưa hoàn thành; (3) Biến động lãi suất có thể khiến chi phí tài chính tăng cao hơn dự kiến. Do các dự án điện NLTT ban đầu cần nguồn vốn lớn nên GEG phải đẩy mạnh đi vay, tỷ số D/E của doanh nghiệp này ở mức 2.23x.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận