24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gói ưu đãi 65.000 tỷ đồng xây nhà ở xã hội khó bố trí nguồn vốn

Mất cân đối cung - cầu, người có thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nhà ở XH

Gói 65.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp, người thu nhập thấp vay xây-mua-thuê nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ giải quyết thêm 25% nhu cầu nhà ở. Tuy nhiên, dư luận đặt ra tính khả thi của nguồn vốn ưu đãi này, bởi giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Nhà nước mới cấp được 2.163/9.248 tỷ đồng (248 tỷ đồng cấp bù cho 4 ngân hàng thương mại).

Trở lại giai đoạn 2013-2016, khi Chính phủ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động thu nhập thấp vay vốn xây-mua-thuê NƠXH.

Tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho Chương trình, ngày 31/12/2016, doanh số giải ngân là 29.679 tỷ đồng, trong đó, doanh số cho vay đối với cá nhân hơn 24.285 tỷ đồng (52.778 khách hàng); doanh số cho vay đối với doanh nghiệp hơn 5.393 tỷ đồng (106 doanh nghiệp), đạt 98,93% số tiền dự kiến của Chương trình (khoảng 30.000 tỷ đồng).

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao gói 30.000 tỷ đồng và trên thực tế, gói tín dụng này đã cân đối được sản phẩm BĐS trên thị trường, ưu tiên vào phân khúc nhà có giá phải chăng, đáp ứng được nhu cầu thực của các hộ dân, tạo sức lan toả giúp thị trường BĐS tan băng, giúp cho doanh nghiệp BĐS giảm nợ xấu...

“Các ưu đãi hiện nay cũng chưa khuyến khích được nhà đầu tư tham gia nhiều vào dự án NƠXH, nguồn vốn tài chính tiếp cận khó”.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành

Nhìn cả giai đoạn 2013-2020 cho thấy, khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc cũng là lúc NƠXH cũng không phát triển được. Chủ đầu tư không có nguồn vốn ưu đãi vay để phát triển dự án, còn người mua nhà không còn nguồn vốn ưu đãi vay để mua nhà.

Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, theo Bộ Xây dựng, cả nước đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2. Riêng nhà ở công nhân trong KCN đang triển khai 100 dự án với tổng diện tích 6,7 triệu m2. Như vậy, số tiền mà giai đoạn này cần rất lớn, lên tới 220.000 tỷ đồng.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, gói 65.000 tỷ đồng vừa được Bộ đề xuất, nhìn con số thì rất lớn, nhưng thực ra là rất bé so với nhu cầu NƠXH hiện tại. Vì theo như nhu cầu mà kế hoạch của Bộ Xây dựng đưa ra giai đoạn 2021-2025 là khoảng 13,8 triệu m2. Nếu chia đểu cho 5 năm, mỗi năm bình quân 13.000 tỷ đồng và lại chia đều cho 63 tỉnh thành thì số tiền 65.000 tỷ đồng này không lớn.

“Điều lo ngại nhất là bố trí vốn và cân đối vốn từ nguồn nào, liệu có cân đối được 65.000 tỷ đồng trong 5 năm hay không. Vì như giai đoạn 2016-2020, dự kiến giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng, nhưng thực chất mới giải ngân được hơn 2.000 tỷ đồng, không hoàn thành mục tiêu đề ra”, TS. Thịnh cho hay.

Còn một số doanh nghiệp cho rằng, điều kiện, thủ tục để tiếp cận vốn vay khá là phức tạp, thời gian kéo dài. Nếu gói 65.000 tỷ được thông qua khi tiếp cận được chắc cũng sẽ gần hết thời gian của chương trình. Tuy nhiên, khi gói hơn 9.000 tỷ đồng chưa hoàn thành thì khó có thể bố trí được nguồn vốn lên tới 65.000 tỷ đồng.

Chia sẻ với Vnbusiness, một cán bộ của Bộ Xây dựng cho hay, sở dĩ Bộ Xây dựng đề xuất số tiền lên 65.000 tỷ đồng thay cho 30.000 tỷ đồng đề xuất trước đó, là sự thống nhất của một số bộ ngành liên quan, có khả năng cân đối vốn được. Gói tín dụng này theo tính toán cũng chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu cho người dân.

“Tuy nhiên, đề xuất là một việc, còn việc được Quốc hội thông qua hay Chính phủ cân đối giải ngân được bao nhiêu thì đó là việc khác”, vị cán bộ này nói.

Cũng có ý kiến chuyên gia đặt ra rằng, trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM nhiều khu tái định cư bỏ hoang, tại sao Nhà nước không yêu cầu các doanh nghiệp chuyển công năng sử dụng, đưa các dự án này thành dự án NƠXH, sẽ giảm sự lãng phí về tiền bạc, đất đai, mà người lao động có thu thập thấp lại có chỗ ở.

Quả thực, xây NƠXH trong bối cảnh này là một việc vô cùng khó, vì vốn ưu đãi chưa có, giá đầu vào nguyên vật liệu tất cả đều tăng cao, nhưng phải thấy một điều rằng, vẫn có doanh nghiệp, như Công ty cố phần BIC Việt Nam, “miệt mài” xây NƠXH cho người thu nhập thấp. Theo đại diện Công ty cổ phần BIC, với 2 dự án đã hoàn thành tại Linh Đàm và Gia Quất (Long Biên), tới đây, 2 dự án tiếp theo tại Thượng Thanh, Thạch Bàn (Long Biên) sẽ được khởi công, chứng minh một điều rằng “khó nhưng vẫn làm được”.

Bên cạnh đó, TCT Viglacera - CTCP cũng đã thực hiện xây dựng 6 dự án nhà ở công nhân trên tổng số 11 khu công nghiệp. Cuối năm 2021, đầu năm 2022, đơn vị này tiếp tục khởi công 2 dự án nhà ở công nhân tại Đông Mai (Quảng Ninh), Tiền Hải (Thái Bình), nâng tổng số lên thành 8 dự án nhà ở công nhân.

Có những doanh nghiệp gắn trách nhiệm xã hội, nhưng cũng có những doanh nghiệp không thể "tay không bắt giặc". Như vậy, ngoài trách nhiệm, tâm huyết với xã hội thì nguồn vốn, quỹ đất sẽ là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp triển khai xây dựng NƠXH.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả