Gói tín dụng nhà ở xã hội tăng lên 140.000 tỷ đồng, những ngân hàng nào đang cho vay?
Gói cho vay nhà ở xã hội có hiệu lực hơn 1 năm nay, với 120.000 tỷ đồng sẽ được mở rộng lên 140.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần cho vay.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, và Vietcombank) tham gia thực hiện, mỗi nhà băng 30.000 tỷ đồng.
Ngoài 4 ngân hàng nói trên, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có 4 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cũng đã có văn bản đăng ký tham gia gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, gồm: TPBank, VPBank, MB và Techcombank, với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số ngân hàng thương mại tham gia lên 8 ngân hàng với 140.000 tỷ đồng.
Như vậy, gói tín dụng ưu đãi này sẽ có quy mô lên đến 140.000 tỷ đồng sau khi có sự tham gia của 4 NHTMCP.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, 34/63 tỉnh thành có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 1.344 tỷ đồng, gồm 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Các ngân hàng đã triển khai cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân (của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường).
NHNN đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp được vay ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà là 7,5%/năm.
Để khơi thông dòng vốn cho vay mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội , nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo đó, điều kiện được vay vốn của chủ đầu tư được cắt giảm (cắt giảm điều kiện đã được cấp phép xây dựng, chỉ còn điều kiện dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn chủ đầu tư và đã được giao đất).
Đối với ngành ngân hàng, ông Đào Minh Tú cho biết đang trình Chính phủ phương án triển khai gói tín dụng này với những thay đổi theo hướng tạo điều kiện hơn cho người mua nhà.
Cụ thể, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3%/năm so với lãi suất bình quân, thời hạn kéo dài 5 năm (trước đây là 3 năm); 5 năm tiếp theo tiếp tục được giảm lãi suất tuỳ theo thời điểm, nhưng mức giảm ít nhất từ 1–2%/năm. Còn đối với khách hàng là chủ đầu tư, giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%/năm.
“Quan điểm là rất rõ ràng như vậy, chứ không phải sau 5 năm sẽ thả nổi lãi suất rồi lại đẩy lãi suất lên cao khiến người vay lo lắng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Cũng về gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội, mới đây Ngân hàng Chính sách xã hội điều chỉnh mức lãi suất chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1/8, lãi suất cho vay sẽ tăng thêm 1,8%/năm, lên mức 6,6%/năm.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, mức lãi suất cho vay 6,6%/năm được áp dụng từ ngày 1/8 với vay mua nhà ở xã hội, sửa chữa nhà cửa là phù hợp. Bởi, Ngân hàng Chính sách xã hội phải đi huy động vốn trên thị trường rồi cho vay ra, nếu lãi suất cho vay quá thấp thì ngân sách sẽ phải cấp bù một phần chênh lệch, trong khi nguồn lực ngân sách thì có hạn.
Đến hết tháng 7 có 34/63 tỉnh, thành phố công bố các dự án nhà ở xã hội theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với 78 dự án. 4 NHTM nhà nước đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho các chủ đầu tư dự án là 1.295 tỷ đồng, giải ngân cho người mua nhà mới chỉ đạt 49 tỷ đồng. Agribank là ngân hàng giải ngân cao nhất, đạt 657 tỷ đồng, tiếp đến là VietinBank với 360 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận