Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Chờ gỡ từ Bộ Xây dựng
Đại diện các ngân hàng cho biết phía ngân hàng đang tích cực triển khai gói 120.000 tỷ đồng nhưng hiện tại vẫn đang chờ Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án để triển khai cho vay.
Gói tín dụng được chờ đợi
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tại thời điểm hiện nay, theo đánh giá của các bộ ngành chức năng, các chuyên gia, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phải giảm bớt quy mô kinh doanh, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động.
Trước tình hình đó, ngay những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành rất linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa những công cụ, dư địa của chính sách tiền tệ. Trong đó, lĩnh vực bất động sản mà đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi tốt.
Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị quyết.
Đại diện các ngân hàng cho biết phía ngân hàng đang tích cực triển khai gói 120.000 tỷ đồng nhưng hiện tại vẫn đang chờ Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án để triển khai cho vay. Ảnh minh họa
Đồng thời, ngày 24/4/2023 Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản; Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Tổ chức tín dụng cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn; Kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng và báo cáo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án bất động sản trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án,...
Chờ gỡ từ Bộ Xây dựng
Một trong những chính sách đưa ra nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 01/4/2023.
Về phía Bộ Xây dựng, Bộ đã đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/04/2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Các ngân hàng cũng khẳng định quyết tâm triển khai gói 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết ngân hàng tích cực tham gia các chương trình tín dụng, ví như triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho bất động sản. Đến nay đã có 2 dự án để cho vay.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Ông Lê Ngọc Lâm Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, BIDV đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, BIDV đang chờ phía Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án để triển khai cho vay. Thời gian qua các thủ tục pháp lý đặc biệt liên quan đến bất động sản tương đối chậm, do đó cần thời gian để triển khai.
“Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc nên các ngân hàng gặp khó khăm, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm như thời gian vừa qua”, ông Lâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng bình luận đối với gói 120.000 tỷ đồng, ngành ngân hàng có rất nhiều giải pháp nhưng vẫn đang vướng ở các bộ, ngành, địa phương.
“Do vậy, cần có giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương, để đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi đã thống nhất giảm mặt bằng lãi suất. Vậy làm sao cần có sự đồng thuận chung, thậm chí tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận