24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gói thầu NM điện Nhơn Trạch 3, 4: Làm sao tăng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế?

Bài thầu của PVPower tại gói thầu EPC Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 bị nhiều nhà thầu kiến nghị vì cho có tiêu chí không phù hợp, hạn chế nhà thầu tham gia.

Những tranh cãi xung quanh tiêu chí mời thầu gói thầu “Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4” của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) làm nóng dư luận gần đây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong khi PVPower cho rằng, hồ sơ mời thầu gói thầu EPC của dự án đảm bảo cạnh tranh, minh bạch và công bằng. Thì, nhà thầu ngoại khẳng định PVPower đưa ra quy định không phù hợp, hạn chế nhà thầu tham gia.

Không chỉ đầu bài có vấn đề, theo tìm hiểu của VTC News, tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế gói thầu khó có thể được đảm bảo, còn có nguyên nhân xuất phát từ vị thế độc quyền của nhà cung cấp thiết bị chính (OEM) là General Electric (GE).

Gói thầu của PVPower bị kiến nghị

Theo hồ sơ, gói thầu Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4” có giá hơn 24.147 tỷ đồng, sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn vay.

Hồ sơ mời thầu gói thầu được phát hành từ ngày 28/3, có 16 nhà thầu trong nước và quốc tế mua hồ sơ. Tuy vậy, sau hơn 4 tháng phát hành, dù có 16 nhà thầu trong nước và quốc tế đã mua hồ sơ nhưng chỉ có 1 nhà thầu nộp dự thầu là Liên danh Samsung C&T Coporation - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này, một nhà thầu ngoại là Siemens Energy liên tục có có ý kiến về hồ sơ mời thầu, cho rằng, gói thầu đưa ra yêu cầu đối với phiên bản 50 Hz của tua bin khí là không phù hợp, hạn chế nhà thầu cung cấp phiên bản 60 Hz của dòng tuabin khí 9000HL, không bảo đảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của dự án.

Trước phản ánh của Siemens Energy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đề nghị PVN xem xét, xác minh và giải quyết triệt để những kiến nghị của nhà thầu Siemens Energy. Nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả của gói thầu và dự án, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Bộ Công Thương sau đó cũng có văn bản đề nghị PVN và PV Power giải quyết kiến nghị của nhiều nhà thầu về các gói thầu Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Tương tự, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị PVN chỉ đạo người đại diện vốn tại PVPower xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhà thầu theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành. Chịu trách nhiệm tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động đấu thầu của PVPower và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) đúng quy định của pháp luật.

Độc quyền cung cấp tua bin khí?

Ngoài việc đầu bài gói thầu bị nhà thầu Siemens Energy tố “không bảo đảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của dự án”. Theo tìm hiểu, tại gói thầu EPC hơn tỷ USD này, tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế khó có thể được đảm bảo, còn có nguyên nhân xuất phát từ vị thế độc quyền của nhà cung cấp thiết bị chính (OEM).

Cụ thể, quy định của hồ sơ mời thầu ở dự án đã “vô tình” làm cho chỉ có duy nhất một OEM là General Electric đáp ứng được về mặt kỹ thuật. Nhưng theo phản ánh của một số nhà thầu EPC, OEM này lại không báo giá cho họ mà chỉ cung cấp hàng hóa cho một nhà thầu EPC duy nhất. Kết quả cuối cùng, theo đúng kịch bản dự báo và đang diễn ra, tại thời điểm nộp thầu (ngày 6/8 vừa qua), chỉ duy nhất một nhà thầu (Liên danh Samsung C&T, trong đó GE là OEM) tham gia.

Được biết gói thầu EPC có phần thiết bị chính được cung cấp bởi các OEM - chiếm khoảng dưới 40% giá trị trong khi có hơn 60% còn lại là do tổng thầu EPC (cùng với các nhà thầu phụ trong nước) đảm nhận. Đây cũng là pháp nhân tham dự thầu, chịu trách nhiệm duy nhất trước chủ đầu tư trong quá trình đấu thầu và thực hiện dự án nếu trúng thầu.

Hiện chủ đầu tư đã gia hạn thời gian nộp thầu đến ngày 23/8 với mong muốn về lý thuyết là sẽ nhận được thêm hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, nếu các nội dung cơ bản của hồ sơ mời thầu, bao gồm xử lý về độc quyền OEM không thay đổi, gần như chắc chắn không thể có thêm nhà thầu nào nộp thầu được.

Liên quan nội dung này, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 638 ngày 17/5/2021 hướng dẫn thỏa thuận độc quyền (như mô tả ở trên) là một trong những hành vi thông thầu, bị cấm theo Luật Đấu thầu, có thể dẫn đến việc phải hủy thầu, đồng thời cũng là dấu hiệu của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Điều 11 của Luật cạnh tranh

Do vậy, Cục Quản lý đấu thầu đã khuyến cáo “để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, hạn chế việc từ chối bán hàng hóa của nhà cung cấp thiết bị gốc, gây khó khăn cho các nhà thầu tham dự thầu, thì trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư cần đưa ra quy định cụ thể về việc xử lý đối với hành vi hạn chế cạnh tranh nói trên”.

Tuy vậy ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu đã không được lưu ý, dẫn đến kịch bản độc quyền OEM xảy ra đúng như dự báo, gián tiếp tạo vị thế độc quyền cho nhà thầu EPC, không đảm bảo được tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cho dự án, là các mục tiêu của bất kỳ quá trình đấu thầu nào.

PVPower nói gì?

Trước những phản ánh trái chiều về gói thầu EPC Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, và 4, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVPower, khẳng định hồ sơ mời thầu gói thầu EPC của dự án được lập trên nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng, hoàn toàn tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu.

Về nội dung phản ánh của Siemens Energy, ông Kỳ cho biết đại diện hai bên đã có nhiều buổi làm việc bàn về đề xuất mở rộng tiêu chí về tính kiểm chứng của tua bin khí.

Tuy nhiên, quan điểm của PVPower là tua bin khí chào thầu cho gói thầu phải tương tự như tua bin khí đã cung cấp cho các dự án đã được công nhận vận hành thương mại.

Đại diện PVPower cũng cho hay kinh nghiệm từ Dự án Nhà máy Điện Cà Mau xây dựng năm 2006 với thiết bị chính tua bin khí, tua bin hơi, máy phát điện do Siemens chế tạo cung cấp cho thấy, tại thời điểm đó, nhà chế tạo Siemens tại Mỹ mới chỉ chế tạo máy phát tần số 60 Hz, chưa có kinh nghiệm chế tạo máy phát tần số 50 Hz.

Trong quá trình vận hành, máy phát điện của Nhà máy điện Cà Mau đã gặp các sự cố kỹ thuật (nứt chân máy do việc cộng hưởng tần số riêng của thiết bị. Trong trường hợp này, nếu Siemens có kinh nghiệm chế tạo máy phát tần số 50 Hz thì sẽ không để xảy ra lỗi kỹ thuật này) và thiết bị này đã nhiều lần phải sửa chữa để đảm bảo vận hành an toàn.

Do vậy, để đảm bảo giảm thiểu tối đa rủi ro cho Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, hồ sơ mời thầu gói thầu nêu trên đã yêu cầu tính kiểm chứng của tuabin khí trong vận hành (loại tuabin khí nhà thầu chào cho Dự án phải đã được cung cấp ít nhất 2 tổ máy trên toàn cầu, trong đó 1 tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại).

Theo PVPower, tua bin khí SGT5-9000 HL tần số 50 Hz của Siemens Energy đến thời điểm hiện tại mới bán được duy nhất 1 chiếc và vẫn đang trong giai đoạn lắp đặt xây dựng, chưa được kiểm chứng vận hành phát điện thương mại nên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro chưa chứng minh được tính ổn định vận hành cũng như hiệu quả kinh tế cho cả vòng đời dự án.

Về việc có thông tin cho rằng General Electric có thỏa thuận chỉ cung cấp hàng hóa cho một nhà thầu EPC duy nhất, ông Kỳ cho biết sẽ thông tin sau.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả