24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tô Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gọi tên lý do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sâu

6 tháng đầu năm 2019, khối lượng giao dịch bình quân trên ba sàn chứng khoán cơ sở chỉ đạt 220 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2018; giá trị giao dịch trung bình đạt 4.500 tỷ đồng/phiên, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2018. 

Dòng tiền lớn chủ động đứng ngoài

Nhìn lại diễn biến của thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay, có thể thấy, thị trường đã có bước khởi động khá chậm chạp, với thanh khoản duy trì ở mức thấp và chỉ số gần như đi ngang trong tháng 1. Đà giảm điểm mạnh vào cuối năm 2018 khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng trong những phiên giao dịch đầu năm.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dòng tiền lớn bắt đầu quay lại thị trường với tâm lý hứng khởi, giúp VN-Index áp sát mốc 1.000 điểm vào cuối tháng 2. Dù vậy, giai đoạn này, thị trường bắt đầu xuất hiện áp lực chốt lời ngắn hạn.

Bước sang tháng 3, thị trường bắt đầu ổn định trở lại và chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm vào giữa tháng, nhưng sau đó áp lực chốt lời trở lại lấn át thị trường. Đặc biệt, từ trung tuần tháng 3 trở đi, thanh khoản giảm mạnh chỉ còn khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên trên sàn HOSE.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, tâm lý bi quan trong giai đoạn cuối quý I/2019 của nhà đầu tư kéo dài sang giai đoạn đầu quý II. Dòng tiền lớn chủ động đứng ngoài thị trường, chỉ số giảm điểm do liên tiếp phải đối diện với áp lực bán mạnh và thanh khoản suy giảm. Lực chốt lời dồn nhiều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến chỉ số chung lao dốc khá nhanh.

Diễn biến thị trường trong tháng 6 vẫn cho thấy áp lực bán duy trì và nhà đầu tư tỏ ra chủ động thoái khỏi thị trường để chờ đợi những thôn tin mới của kinh tế thế giới từ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tháng.

Tới cuối tháng 6, VN-Index được hỗ trợ phần nào nhờ những thông tin tích cực hơn từ việc phá vỡ bế tắc của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định EVFTA được ký kết. Trong quý II, VN-Index giảm 3,14% do chịu áp lực chốt lời mạnh từ các cổ phiếu VHM, VNM, BID.

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, thanh khoản thị trường trong 6 tháng đầu năm 2019 trên sàn này ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 172,3 triệu chứng khoán, tương ứng với giá trị bình quân đạt 3.930 tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 14,6% về khối lượng và 29,5% về giá trị so với năm 2018.

Thanh khoản sụt giảm cho thấy sự suy yếu của dòng tiền trên thị trường cơ sở. Vì sao lại có sự suy yếu này, bởi thực tế cho thấy, dòng tiền trên thị trường không thiếu, thậm chí đang rất dồi dào, từ nguồn tự có của nhà đầu tư lẫn nguồn vốn margin?

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán, căn nguyên nhà đầu tư kém mặn mà với thị trường chứng khoán cơ sở chính là lo ngại rủi ro từ bên ngoài trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới vừa có nhịp bùng nổ mạnh giai đoạn cuối năm 2017 tới đầu năm 2018 và coi như đã hoàn thành giai đoạn tích lũy từ năm 2015 đến nay.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước siết tăng trưởng tín dụng và giám sát chặt dòng tiền vào các lĩnh vực có rủi ro cao là bất động sản, chứng khoán khiến cho nhiều người lo ngại rủi ro với thị trường chứng khoán. Có lẽ bài học về ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ tới thị trường chứng khoán những năm 2008 - 2010 đã khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn.

Chứng khoán cơ sở kém sức hấp dẫn

Một câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở đã không còn sức hấp dẫn, nên nhiều nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư khác có khả năng sinh lời tốt hơn như phái sinh, đầu tư trái phiếu… và mới đây là sản phẩm chứng quyền có tài sản đảm bảo (CW)?

Thực tế thị trường chứng khoán phái sinh trong nửa đầu năm 2019 cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn nhiều. Bình quân mỗi phiên trên thị trường này đạt khoảng hơn 100.000 hợp đồng được khớp lệnh và khối lượng hợp đồng mở qua đêm (OI) đạt khoảng hơn 20.000 hợp đồng.

Chỉ số VN30F1M vẫn là hợp đồng được ưa chuộng nhất với mức thanh khoản cao và diễn biến bám sát với thị trường cơ sở, qua đó mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Sự phát triển của thị trường phái sinh đang giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội sinh lời hơn và hy vọng tới đây sẽ thu hút được sự tham gia của cả dòng vốn nước ngoài để thị trường này phát triển hơn nữa. Nhưng cũng vì vậy mà một phần dòng tiền trên thị trường cơ sở đang bị “cuốn theo” các sản phẩm mới.

Lưu ý về câu chuyện thanh khoản của thị trường chứng khoán cơ sở, nhưng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhìn rộng ra, việc thanh khoản suy giảm trong 6 tháng đầu năm không diễn ra riêng tại thị trường chứng khoán Việt Nam, mà ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ, nơi các chỉ số chính đã lập kỷ lục mới, thì thanh khoản cũng giảm so với cùng kỳ.

Nguyên nhân là các căng thẳng thương mại, địa chính trị khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, qua đó bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Mà hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chính là yếu tố căn bản nhất tác động đến đà tăng, giảm của thị trường chứng khoán. Trước các bất ổn như trên, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu kho bạc, vàng… Lợi suất trái phiếu kho bạc nhiều nơi đã rơi xuống mức kỷ lục.

Ở trong nước, thị trường trái phiếu chính phủ tích cực thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức. Tính đến ngày 21/6/2019, Bộ Tài chính đã huy động được 102.673 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (không tính 7.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội), bằng 33,4% kế hoạch năm.

Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ có sự cải thiện căn bản với vai trò ngày càng quan trọng của các tổ chức phi ngân hàng và giảm dần tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng đạt khoảng 53% (tăng 0,8% so với mức 52,2% tại thời điểm cuối năm 2018), tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 47%.

Kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng sôi động đặc biệt. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến thời điểm 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018 (8,6% GDP).

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 (theo đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 7% GDP vào năm 2020). Trái phiếu doanh nghiệp được nhiều tổ chức phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, chào mua với lãi suất rất cao, lên tới 9 - 10%/năm, cao hơn hẳn so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại. Thậm chí, có nơi chào lãi suất tới 11%/năm.

Chờ kích hoạt dòng tiền ngoại

Từ đầu tháng 7, thanh khoản thị trường cổ phiếu có sự cải thiện, từ mức bình quân 2.500 tỷ đồng/phiên trong tháng 6 lên mức 2.700 tỷ đồng ở 2 tuần đầu tháng 7 và 3.100 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Dòng tiền hoạt động tích cực ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp cho thị trường sôi động hơn.

Gọi tên lý do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sâu
Gọi tên lý do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sâu
Gọi tên lý do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sâu

Thanh khoản chung của thị trường từ nay đến cuối năm 2019 có thực sự được cải thiện hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong khi đó, nếu xét về lực đỡ của dòng tiền ngoại thì dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chủ yếu thông qua các quỹ ETF, vốn vào nhanh và ra cũng nhanh.

Ông Trần Minh Hoàng cho rằng, chưa nhận thấy động lực rõ ràng giúp VN-Index bứt phá vượt ngưỡng 1.000 điểm trong quý III này. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc giải quyết tranh chấp thương mại sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6, nhưng triển vọng về một thỏa thuận cuối cùng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn xa xôi. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận mặt bằng lãi suất huy động vẫn sẽ giữ xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2019 và theo đó, gây sụt giảm mức định giá các tài sản trên thị trường chứng khoán.

“VCBS vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, nhưng cũng cần nhắc lại rằng, Việt Nam vẫn đang trong quá trình “thích nghi” với sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất trên thế giới và do đó, khó có thể kỳ vọng một mức tăng trưởng đột phá trong tương lai gần.

Các chỉ số chứng khoán sẽ có diễn biến lạc quan hơn trong quý cuối cùng của năm nay. Cùng với đó, thị trường nhiều khả năng cũng được sự hỗ trợ nhờ các thông tin về kết quả của các doanh nghiệp niêm yết - với trọng điểm thường rơi vào quý IV”, ông Hoàng nhận định.

Luật Chứng khoán sửa đổi được giới đầu tư kỳ vọng sớm được thông qua, qua và sẽ kích hoạt dòng tiền trong và ngoài nước chảy mạnh hơn vào thị trường chứng khoán.

Thị trường trái phiếu đang trở nên hấp dẫn

Nguyễn Minh Đức, nhà đầu tư tại Hà Nội

Thị trường chứng khoán sau khi gặp mốc kháng cự mạnh 1.000 điểm đã bước vào giai đoạn điều chỉnh từ 19/3/2019 đến nay. Diễn biến điều chỉnh đã phần nào phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về xu hướng giảm điểm của thị trường chung, kéo theo thanh khoản của thị trường sụt giảm so với giai đoạn trước đó.

Nguyên nhân sụt giảm mạnh chắc chắn là do dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường, từ cả khối ngoại (từ khối nhà đầu tư Âu - Mỹ do lo sợ chiến tranh thương mại và khủng hoảng kinh tế; đồng thời từ việc Fed tăng lãi suất) và cả khối nội (do thị trường suy giảm và các kênh đầu tư bất động sản và trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn).

Ở thời điểm hiện tại, tôi đang giữ tỷ trọng cổ phiếu từ 30 - 50% trên tổng tiền thật của mình. Tôi hạn chế dùng margin vì theo cảm nhận của tôi, chưa có nhiều động lực tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy vậy, nếu để lựa chọn nhóm cổ phiếu ưu tiên giải ngân và nắm giữ, tôi chọn đầu tư cổ phiếu giá trị có giá hợp lý thấp, có tiềm năng tốt và đảm bảo mức "lợi suất cổ tức" hơn hoặc tối thiểu bằng ngân hàng (trên 8%) như ngân hàng, năng lượng, bất động sản khu công nghiệp, cao su… Đồng thời, sẽ canh bán ra nếu giá đạt mục tiêu.

Theo cảm quan của cá nhân, tôi cho rằng, từ nay tới cuối năm có thể sẽ có một vài dòng tiền đầu tư từ khối ngoại vào thị trường, mục tiêu là đón đầu xu hướng tăng hạng thị trường của Việt Nam. Về khối nội thì hiện bất động sản đã dần trở nên kém hấp dẫn do nguồn cung quá nhiều và ngành bất động sản bị siết tín dụng. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu đang trở nên rất hấp dẫn và xu hướng sử dụng nguồn vốn nợ được dự đoán là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới nên dòng tiền từ khối nội có khả năng sẽ không tăng trưởng nhiều.

Dòng tiền không thiếu nhưng “bí” chỗ để đầu tư

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại sàn DAS

Chúng tôi đã thực hiện “chốt” phần lớn danh mục từ thời điểm thị trường đạt đỉnh 1.200 điểm. Đó có thể là do may mắn, nhưng cũng có thể kinh nghiệm hơn 13 năm gắn bó với thị trường.

Thực tế, dòng tiền hiện tại là không thiếu, nhưng lại đang “bí” chỗ để đầu tư bởi những cổ phiếu có tiềm năng đã và đang ở vùng đỉnh, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu đang được gọi là có tiềm năng tăng trưởng như dệt may, thủy sản, xuất khẩu… lại đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Nhiều nhà đầu tư lựa chọn sang kênh trái phiếu, gửi tiền ngân hàng… cũng chỉ mang tính thời điểm tạm thời để đỡ “chôn vốn”. Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có sức hút nhất, chỉ vì thời điểm chưa thực sự phù hợp nên nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường, chờ cơ hội phù hợp lại tiếp tục gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu. Tôi cho rằng, nhóm doanh nghiệp bất động sản có nhiều quỹ đất, nhóm bất động sản khu công nghiệp là nhóm có nhiều cơ hội nhất ở thời điểm này.

Điều quan trọng là phải có xác nhận của thanh khoản

Trần Bình Minh, nhà đầu tư tại sàn BVSC

Thanh khoản sụt giảm từ đầu năm đến nay đang khiến cho xu hướng qua từng phiên của chỉ số VN-Index không thật sự đáng tin cậy. Điều quan trọng hiện nay là phải có xác nhận của thanh khoản.

Trong một kịch bản tốt, các nhóm cổ phiếu lớn sẽ thay thế nhau làm động lực kéo chỉ số, ổn định thị trường. Điều này sẽ tạo tâm lý tích cực và lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác. Song, vẫn không thể loại trừ khả năng thị trường vẫn sẽ điều chỉnh và rung lắc mạnh khi các thông tin hỗ trợ đã qua đi.

Tôi nhìn nhận, một số cổ phiếu đã tạm hết động lực để kỳ vọng tăng giá và sức ép bán từ các cổ phiếu dạng này gây áp lực khiến thị trường khó tăng mạnh.

Thị trường có vẻ đang theo các cổ phiếu dẫn dắt (cụ thể là một số cổ phiếu bluechips, ngân hàng) trong khi nhóm này đã có dấu hiệu chững lại. Chiến thuật hợp lý trong giai đoạn hiện tại nên là thu hẹp danh mục ở các cổ phiếu đã có dấu hiệu suy yếu và giữ lại các cổ phiếu còn đủ mạnh để tận dụng đà tăng điểm trong khi các quyết định mua mới cũng nên thận trọng hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả