24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Lương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gói kích thích phục hồi kinh tế hậu COVID 19 - Bài cuối: Việt Nam chờ đợi một kế hoạch dài hạn

Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tăng trưởng kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng vẫn cần các gói kích thích mới với thời gian dài hạn nhằm duy trì đà phục hồi kinh tế.

Gói kích thích phục hồi kinh tế hậu COVID 19 - Bài cuối: Việt Nam chờ đợi một kế hoạch dài hạn

LTS: Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang tung ra hàng loạt các gói kích thích kinh tế 'khổng lồ' nhằm chặn đà suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, tạo thêm công ăn việc làm và tái khởi động các hoạt động xã hội. Liệu các gói kích thích kinh tế này có mang lại hiệu quả lâu dài hay chỉ là những biện pháp đối phó tạm thời? Nhadautu.vn khởi đăng đăng loạt bài về các gói kích thích kinh tế của một số nước trên thế giới từ 22/9/2020 như một kênh tham khảo, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà quản lý và bạn đọc có thêm thông tin học hỏi cách khắc phục kinh tế thời hậu đại dịch.

***

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn cũng như sớm phục hồi nền kinh tế đất nước.

Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân mà quá trình triển khai các gói hỗ trợ kinh tế vẫn rất chậm và chưa đạt kết quả và hiệu quả như mong muốn.

Hiện tại, tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng cam kết bỏ ra cho các gói hỗ trợ khoảng 181.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019.

Theo dữ liệu từ Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cung cấp, gói hỗ trợ tài khóa đầu tiên có giá trị khoảng 73.100 tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41 (tháng 4/2020).

Gói hỗ trợ này bao gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69.300 tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180.000 tỷ đồng trong 5 tháng, nhưng thực chất là giãn, hoãn nộp và người dân, doanh nghiệp vẫn phải trả khi đến hạn, giá trị hỗ trợ ở đây chính là phần không tính lãi khi gia hạn, ước tính 3.825 tỷ đồng).

Theo đó, tổng số tiền gia hạn tính đến 30/7 mới chỉ là 53.645 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% quy mô gói hỗ trợ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu, hoạt động cầm chừng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 ngay trong quý I/2020. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất từ đầu năm nên số tiền còn phải nộp không nhiều hoặc không có nhu cầu giãn, hoãn, chưa kể tâm lý e ngại thủ tục rườm rà.

Gói hỗ trợ thứ hai là gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36.600 tỷ đồng (0,6% GDP). Gói này bao gồm phần giảm lãi suất khi các tổ chức tín dụng cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1 - 2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600.000 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); miễn, giảm lãi (giảm 0,5 - 1,5% cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác...

Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20 - 25%) cả năm 2020 của các tổ chức tín dụng và giảm thu ngân sách tương ứng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 13/7/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng.

Gói hỗ trợ tiếp theo là gói an sinh - xã hội. Thực tế của gói này có giá trị khoảng 45.800 tỷ đồng (0,8% GDP), chứ không phải 62.000 tỷ đồng (do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% khoảng 390 tỷ đồng), đến hạn, doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay.

Tính đến ngày 13/7/2020, đã thực hiện giải ngân khoảng 12.000 tỷ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 12.000 hộ kinh doanh. Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm; trong đó, gói 16.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được do điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn, quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, và nhiều doanh nghiệp tự xoay xở.

Cuối cùng là các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26.000 tỷ đồng (0,43% GDP), bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng.

Đến hết ngày 30/6/2020, EVN đã giảm giá, giảm tiền điện cho 26,79 triệu khách hàng với tổng số tiền 6.800 tỷ đồng (62,4%). Đối với gói giảm giá dịch vụ viễn thông, hiện chưa có thông tin công bố kết quả thực hiện cụ thể.

Theo các số liệu được thống kê, trong 4 gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục.

Tuy nhiên, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, các gói này triển khai chậm chưa chắc đã là không tốt. Bởi trên thực tế, tình hình dịch bệnh đã kéo dài hơn so với các dự báo trong thời điểm đầu quý II, vì vậy nếu Chính phủ "dốc túi" để hỗ trợ ngay từ khi dịch bùng phát thì sẽ khó có dư địa để cân đối, tính toán và tiếp tục đẩy mạnh cho giai đoạn sắp tới.

"Đúng là quá trình triển khai các gói hỗ trợ giai đoạn vừa qua rất chậm, làm mất tính kịp thời của chính sách, và còn thiếu các chính sách hỗ trợ đủ mạnh. Nhưng nhìn lại nếu tung hết ra trong giai đoạn vừa qua thì đến bây giờ cũng không còn gì để hỗ trợ cả, trong khi tình hình trong các tháng cuối năm được dự báo là còn khó khăn hơn", chuyên gia của CIEM khuyến nghị.

Cần kích thích kinh tế mạnh mẽ sau dịch COVID-19

Gói kích thích phục hồi kinh tế hậu COVID 19 - Bài cuối: Việt Nam chờ đợi một kế hoạch dài hạn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn cả cung và cầu, chính sách tài khóa, tiền tệ.

Đầu tháng 9, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ nhằm đánh giá về tình hình thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình tháng 8 có chuyển biến rất đáng mừng, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định và chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan trước dịch bệnh cũng như đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu vực kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu cần có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ cả cung và cầu, chính sách tài khóa, tiền tệ phải phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong trạng thái bình thường mới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến 5 nhóm nguyên tắc trong xây dựng các giải pháp, chính sách mới nhằm kịp thời khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay.

Trong đó phải đảm bảo tính bao quát, toàn diện các đối tượng, đủ lớn và đủ mạnh để kích thích nền kinh tế. Thứ hai, gói chính sách dù lớn hay nhỏ đều phải gắn với cơ cấu các ngành, lĩnh vực, thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới sáng tạo, chuyển dịch dòng vốn đầu tư... Thứ ba, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống người dân. Thứ tư, tập trung hỗ trợ DN, người dân. Thứ năm, đối với chính sách tài khóa, cần rà soát lại các loại thuế, phí để tiếp tục tạo thanh khoản, dòng tiền cho DN, bảo đảm dễ thực hiện và hiệu quả. Vấn đề phối hợp, phân cấp, phân quyền cũng rất quan trọng, đồng thời phải đánh giá được tác động của các chính sách đến nền kinh tế.

Mới đây, Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia đã đề nghị các gói kích thích kinh tế dài hơi hơn cho 2 năm tới, chứ không riêng năm 2020. Bởi cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho họ thì không thể chỉ làm trong 1 năm.

Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của COVID-19, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, gồm tái cơ cấu đầu tư, lao động... tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: "Thông thường các doanh nghiệp sẽ cần một khoảng thời gian dài để phục hồi. Họ không thể trở lại được chỉ trong 5 đến 6 tháng. Sắp tới, chúng ta cần có các gói kích thích với một thời gian đủ dài, không chỉ dừng lại đến hết năm 2021. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi, tích lũy được tài sản để trả nợ và phát triển sau đại dịch COVID-19".

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, không chỉ cứu doanh nghiệp, mà cần kích thích họ khởi nghiệp sáng tạo. Nhất trí giải ngân đầu tư công phải ráo riết hơn, ông Thiên đề nghị Chính phủ, Nhà nước phải là "người mua hàng lớn nhất" với các sản phẩm "made in Việt Nam".

Nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu, BIDV cho rằng, sau chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khoá cũng cần được mở rộng hơn.

Cụ thể, cơ quan này đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất TNDN từ 20% xuống 15-17% đối với DNNVV, áp dụng từ năm 2021; xem xét điều chỉnh thuế suất thuế GTGT từ 10% hiện tại xuống còn 9% để khuyến khích tiêu dùng trong nước; tiếp tục gia hạn gói giãn, hoãn thuế thêm 10 tháng; tăng cho vay qua Quỹ Phát triển DNNVV và khởi động thực chất hoạt động của các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV…

Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng kiến nghị một vấn đề khác có thể thực hiện ngay trong thời gian tới, đó là hỗ trợ có mục tiêu đối với các DN hoạt động hiệu quả nhưng gặp khó khăn về tài chính.

Theo đó, giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đầu tư vào các DN mà Chính phủ góp vốn đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các khoản đầu tư này có thời hạn không quá 3 - 5 năm và phải xây dựng kế hoạch thoái vốn cụ thể.

Chờ đợi gói kích thích để duy trì đà phục hồi kinh tế

Gói kích thích phục hồi kinh tế hậu COVID 19 - Bài cuối: Việt Nam chờ đợi một kế hoạch dài hạn
Nền kinh tế Việt Nam đang là một điểm sáng trong khu vực hậu COVID-19.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2020, sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước với vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 13,8 tỷ đồng, tăng 8,7%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%.

Điểm đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng cao 15,3%; nhập khẩu đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD.

Trong khi đó, Chính phủ cũng nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng chủ yếu, gồm: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", kiên quyết phòng, chống đại dịch COVID-19, đồng thời tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trong đó tăng trưởng cả năm đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức, tuy nhiên dự kiến tăng trưởng GDP năm 2021 vẫn đạt khoảng 6,7%.

Đại dịch COVID-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021. Triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn và khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động.

Đầu tháng 8, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo rằng Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Theo ông Jacques Morisset, Việt Nam là quốc gia hấp thụ tương đối tốt cú sốc kinh tế từ đại dịch. Ảnh hưởng kinh tế của COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8% - mặc dù là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.

Báo cáo của WB cho thấy, kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong nửa đầu năm 2020, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.

Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021, nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Vào ngày 25/9, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cũng vừa công bố báo cáo trong đó dự báo Việt Nam đứng thứ 2 về tốc độ phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Theo báo cáo của S&P, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt mức 1,9% và 11,2% vào năm 2021. Cùng thứ hạng với Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc) với tăng trưởng GDP đạt mức 1% vào năm 2020 và 3% vào năm 2021.

Nhìn chung, các chuyên gia của S&P kỳ vọng rằng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm 2% vào năm 2020 và chuyển sang tăng trưởng 6,9% trong năm sau.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả