Gói hỗ trợ lần 2: Đừng "tất tay" một lần vì phía trước còn nhiều bất định
Các chuyên gia và các nhà khoa học cũng đồng tình rằng gói hỗ trợ lần 2 không nên “tất tay” một lần vì phía trước còn nhiều bất định.
Dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, tác động đến kinh tế Việt Nam đang và sẽ trầm trọng hơn, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt hơn. Đây là thông điệp đưa ra tại Hội thảo khoa học “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”, do Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp cùng tổ chức sáng nay (15/10).
Hội thảo đã đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, đánh giá các chính sách thuộc gói hỗ trợ lần 1, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho gói hỗ trợ lần 2 nhằm thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ người dân, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi sau đại dịch.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU nhấn mạnh: Chính phủ đã có những giải pháp chính sách rất kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm giải cứu một số khu vực kinh tế và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chia sẻ nhận định trên, PGS-TS. Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng NEU, đưa ra trước hội thảo kết quả khảo sát và đánh giá của trường này, cho biết giới doanh nghiệp và giới chuyên gia đánh giá cao việc Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra gói giải pháp 1 đúng và trúng. Nhưng, hiệu quả lại không cao trên thực tế.
“80% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã không tiếp cận được gói hỗ trợ do không đủ điều kiện và do không có thông tin về chính sách”, PGS-TS. Bùi Đức Thọ cho biết.
TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cũng bảy tỏ sự đáng tiếc khi hiệu quả của gói 1 thấp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt với sự lắng nghe doanh nghiệp và đã xây dựng các kịch bản khác nhau để có phương án xử lý thích hợp nhất.
Đáng tiếc nữa, theo TS. Võ Trí Thành, đó là tuy chính sách đúng và kịp thời nhưng việc thực hiện không theo tinh thần thời chiến. Việc chống dịch, phục hồi kinh tế không có ban chỉ đạo trong khi Covid-19 gây ra tác động lớn và trầm trọng.
“Quốc hội đồng hành nhưng không trao quyền cho Chính phủ, đơn cử như muốn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phải chờ Quốc hội biểu quyết”, ông Thành nói.
Theo PGS-TS. Phạm Hồng Chương, diễn diễn phức tạp trở lại của đại dịch trên nhiều địa phương trong cả nước đã tác động toàn diện và nặng nề đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn để tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế, đồng thời chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài; từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Các nhà khoa học khuyến nghị cần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế cả vĩ mô và vi mô, quan tâm đến quản trị rủi ro, bởi thế giới ngày càng bất định và mức độ bất định ngày càng gia tăng.
“Cá nhân tôi cũng rất tiếc, gói hỗ trợ lần 2 lẽ ra cần đưa ra trong tháng 9 nhưng đến nay chưa xong”, TS. Võ Trí Thành nói.
Kỳ vọng về gói hỗ trợ lần 2 đang rất lớn. Theo TS. Võ Trí Thành: Gói hỗ lần này cần có một số nguyên tắc. Một là phải đủ lớn. Rất may chúng ta có tiền và chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách.
Hai là diện phải rộng như gói 1 là có tính đến người lao động, có doanh nghiệp và có xã hội.
Ba là phải có trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những doanh nghiệp có tính lan tỏa. Ví dụ, có hỗ trợ ngành hàng không như các nước không?
Bốn là thời gian, ít nhất phải thực hiện cả trong năm 2021.
Năm là gói này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khó như gói 1, gói 2 là hỗ trợ để vượt khó, để phục hồi và tái cấu trúc.
Thay mặt các nhà khoa học của NEU, PGS-TS. Bùi Đức Thọ đã nêu lên các khuyến nghị chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó cần hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhiều hơn nữa và cần kéo dài các gói hỗ trợ; chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch; giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ.
Các chuyên gia và các nhà khoa học cũng đồng tình với ý kiến của TS. Võ Trí Thành và Bùi Đức Thọ, cùng cho rằng gói hỗ trợ lần 2 không nên “tất tay” một lần vì phía trước còn nhiều bất định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận