Gói hỗ trợ kinh tế và nguy cơ 'xác sống' thế hệ mới
Trên thế giới, thuật ngữ doanh nghiệp “xác sống” (zombie) hàm ý đến các doanh nghiệp, thay vì phá sản doanh nghiệp này lại tiếp tục lê bước vào cộng đồng nhờ các chương trình hỗ trợ tín dụng hào phóng của chính phủ. Hiện vẫn chưa có định nghĩa thống nhất thế nào là “xác sống”, nhưng nhìn chung đó là những doanh nghiệp có lợi nhuận không đủ trang trải chi phí lãi vay.
Theo các dữ liệu thống kê thời điểm trước đại dịch, dựa trên tiêu chí lợi nhuận có khả năng duy trì trả lãi vay 3 năm, hiện có khoảng 3.500 “xác sống” ở Mỹ và châu Âu (chiếm 20% các công ty niêm yết). “Xác sống” cũng đã tấn công dữ dội vào các nền kinh tế châu Á (Ấn Độ dẫn đầu với 617, Trung Quốc 431, Hàn Quốc 371, Đài Loan 327, Nhật Bản 109…).
Ở Việt Nam, các “xác sống” đang ở mức độ nào? Thấy rõ nhất là khu vực Doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp nhà nước gắn liền với các dự án khủng đắp chiếu, đích thị là những “xác sống” thực sự. Số liệu báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước cho thấy “xác sống” không còn là nguy cơ mà là hiện thực.
Các báo cáo hợp nhất cho thấy 12 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế hơn 7.440 tỷ đồng; có 6 công ty mẹ lỗ lũy kế 2.819 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty hiện có tổng số nợ phải trả trên 1,44 triệu tỷ đồng, chiếm 53% tổng nguồn vốn của các tập đoàn.
Các khoản lỗ lũy kế kéo dài nhiều năm, kết hợp với tỷ lệ nợ vay luôn ở mức cao ngất ngưởng, cho thấy không ít doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước và các công ty mẹ hiện không khác gì “xác sống”. Đây là những “xác sống” bất tử.
Đại dịch Covid-19 khiến cho chính phủ các nước đồng loạt thực hiện chương trình hỗ trợ khẩn cấp để cứu doanh nghiệp, bảo vệ thị trường lao động nhằm không để cho nền kinh tế rơi vào suy thoái. Mặt trái của một chính sách như thế sẽ tạo thêm một thế hệ mới các “xác sống”. Việt Nam cũng đã triển khai gói hỗ trợ lần 1.
Trên thực tế, các doanh nghiệp hầu như không thể tiếp cận được gói hỗ trợ, nên hãy còn quá sớm để đặt vấn đề thế hệ các “xác sống” mới (ngoại trừ khu vực doanh nghiệp nhà nước hồi sinh nhờ vào liều “doping tài chính”). Mặc dù vậy, do những hạn chế về số liệu thống kê kinh tế tài chính chung cho cả nền kinh tế, các thế hệ “xác sống” từng tồn tại trước đại dịch không phải không có cơ sở.
Với sự xuất hiện của đại dịch, gần đây đã bắt đầu xuất hiện các quan ngại về những nghề nghiệp “xác sống”, startup “xác sống”. Đây là điều mà chúng ta cần tính đến khi thiết kế gói hỗ trợ kinh tế lần 2.
Gói hỗ trợ được tiến hành ở 3 giai đoạn là cách ly xã hội, mở cửa dần dần và hồi phục sau đại dịch. Ở 2 giai đoạn đầu, gói hỗ trợ thực hiện nhanh, khẩn cấp nên không nhất thiết cần phân biệt chính xác thế nào là “xác sống”.
Tuy nhiên chúng ta đang ở giai đoạn hậu đại dịch, bài toán đặt ra cho gói hỗ trợ kinh tế lần 2 cần phải được cân nhắc thận trọng, nhất là tránh nguy cơ tạo ra thế hệ “xác sống” mới. Chỉ cần dựa vào 2 chỉ tiêu cơ bản là dòng tiền và tỷ lệ nợ vay, bước đầu có thể nhận diện các “xác sống”.
Tuy nhiên, nếu đặt quá nhiều tiêu chí phức tạp và quá suy tính để đãi từng hạt sạn trong nồi cơm, có thể chúng ta sẽ không có bữa ăn đúng giờ. Cái giá phải trả của hành động chậm trễ có khi còn lớn hơn cả chi phí hồi phục nền kinh tế.
Thực ra, không phải cứ thỏa tiêu chí “xác sống” thì tất cả mọi thứ đều xấu giống nhau. Trong điều kiện nước ta, với những bất cập trong thể chế và sự lớn mạnh mới gần đây của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta cần phân biệt “xác sống” tốt và xấu.
“Xác sống” tốt -“xác sống” tạm thời- là những doanh nghiệp có tiềm năng hồi phục nếu nhận được gói hỗ trợ kịp thời, nhất là các hỗ trợ thể chế và thủ tục hành chính. Không ít trong số này là các doanh nghiệp nhà nước, nếu được tái cấu trúc đúng cách và kịp thời, vẫn có thể hồi phục và bật mạnh sau đó.
Nếu quá chậm trễ ban hành các gói hỗ trợ hoặc đặt ra các tiêu chí quá phức tạp, các “xác sống tạm thời” sẽ biến thành các “xác sống” xấu, thậm chí các doanh nghiệp tốt cũng biến thành “xác sống”. Đáng lo hơn là làn sóng các doanh nghiệp khởi nghiệp nếu không được hỗ trợ kịp thời có thể biến thành các startup “xác sống”.
Các khoản lỗ lũy kế kéo dài nhiều năm, kết hợp với tỷ lệ nợ vay luôn ở mức cao ngất ngưởng cho thấy không ít doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước và các công ty mẹ hiện không khác gì “xác sống”. Đây là những “xác sống” bất tử
Để tránh nguy cơ, trước mắt, các tiêu chí nhận hỗ trợ chỉ nên ở mức nhẹ nhàng, cần đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính với ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ người lao động, hơn là hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp.
Tuy nhiên giải pháp hỗ trợ người lao động cũng có mặt trái là họ có xu hướng bám trụ vào các doanh nghiệp có thói quen kinh doanh theo mô hình xưa cũ. Đây được gọi là khuyến khích ngược, vô hình trung tạo ra các “xác sống công sở”.
Khuyến khích ngược sẽ là lực cản khiến cho quá trình hồi phục kinh tế càng trở nên khó khăn hơn sau này. Gói hỗ trợ kinh tế lần 2, vì vậy, chỉ nên kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, đủ để các doanh nghiệp có cơ hội nhận được kịp thời oxy để giúp bảo toàn lực lượng lao động. Ngoài ra, việc thiết kế thời gian hiệu lực của gói hỗ trợ một cách thích hợp cũng có thể loại bỏ “xác sống” xấu, cho dù có nhận được bao nhiêu gói hỗ trợ tín dụng lẫn cơ chế vẫn sống vất vưởng.
Mặt khác, cũng cần hướng đến gói hỗ trợ có mục tiêu là các doanh nghiệp có tiềm năng đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp có tầm quan trọng đến an ninh quốc gia. Điều quan trọng là mọi thứ phải được công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận